Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 cỡ 23 mm được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam từ giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ. Đến nay, sau hàng chục năm phục vụ trong biên chế vũ khí này đã trở nên lạc hậu và cần được nâng cấp.
Trước yêu cầu mới, phiên bản hiện đại hóa ZSU-23-4M do Việt Nam tiến hành đã thay thế các thiết bị điện tử bán dẫn thế hệ cũ bằng loại vi mạch mới tiên tiến hơn, cho tốc độ xử lý chính xác và tin cậy trong môi trường nhiễu tích cực.
Bên cạnh đó, Nhà máy A31 còn nghiên cứu, thiết kế thiết bị hiệu chỉnh kính ngắm TPKU-2 của pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 cho phù hợp với điều kiện mới, khắc phục hạn chế của khí tài khi hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Tuy vậy trong tác chiến phòng không hiện đại, trông chờ hoàn toàn vào pháo bắn nhanh với tầm hiệu quả chỉ 2,5 km tỏ ra chưa đủ để đối phó hiệu quả với trực thăng hay cường kích bay thấp bí mật xâm nhập trận địa.
Chính vì vậy giải pháp được đưa ra là tích hợp thêm cho vũ khí này các tên lửa phòng không vác vai được kết nối cùng hệ thống điều khiển hỏa lực hợp nhất, giúp pháo thủ tiến hành bắn từ trong xe.
Có thể kể ra đây một vài ví dụ như tổ hợp ZSU-24-4MP Biala của Ba Lan được bổ sung 4 tên lửa phòng không vác vai PZR Grom (biến thể 9K38 Igla của Liên Xô), nhưng hệ thống này lại gỡ bỏ radar 1RL33 để gắn thiết bị ngắm bắn quang điện tử, dẫn đến sự điều chỉnh khá nhiều.
Do vậy phương án tối ưu mà Việt Nam nên làm là ZSU-23-4M5 do Belarus giới thiệu, nó vẫn giữ lại các thiết bị nguyên bản chỉ tích hợp thêm các tên lửa vác vai hai bên tháp pháo với cơ số 6 quả, mang lại dàn hỏa lực vượt trội.
Theo đánh giá, các thiết bị điện tử Việt Nam tự nâng cấp cho radar dẫn bắn 1RL33 không hề thua kém so với phía bạn, cho nên chúng ta chỉ cần nghiên cứu trang bị thêm tên lửa vác vai Igla nữa là tạo ra sức chiến đấu tương đương.
Gần đây các cán bộ kỹ sư của Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã tiến hành đề tài tăng cường tên lửa vác vai cho pháo phòng không tầm thấp ZU-23-2 cỡ 23 mm để gắn trên xe cơ giới. Sự thành công của dự án đã mở ra cơ hội để phát triển tiếp mô hình trên và trang bị cho pháo phòng không ZSU-23-4M.
Hy vọng rằng đề tài nâng cấp pháo phòng không ZSU-23-4M của Việt Nam lên chuẩn M5 sẽ sớm triển khai vì hai điều kiện cần thiết đó là hiện đại hóa hệ thống điều khiển hỏa lực và tích hợp tên lửa vác vai cho module tác chiến của pháo đã được hoàn thành.
Nếu được nâng cấp lên chuẩn M5, các hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M của Việt Nam sẽ trở thành cận vệ tin cậy của S-300PMU-1 cũng như đủ khả năng làm nhiệm vụ che đầu cho xe tăng T-90S trong đội hình tiến quân của các đơn vị cơ giới.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)