Trước đó, giới chức tỉnh Hà Nam đã cập nhật thống kê số người thiệt mạng vì mưa lũ lịch sử tăng gấp ba, từ 99 lên 302. Trong số này có 292 người thiệt mạng tại thủ phủ Trịnh Châu, sau khi địa phương này hứng chịu mưa lớn hiếm thấy bắt đầu từ ngày 17/07.
Bảy trường hợp tử vong khác được báo cáo ở thành phố Tân Hương, hai ở Bình Đỉnh Sơn và một ở Tháp Hà. Hiện vẫn còn 50 người mất tích, trong đó có 47 người ở Trịnh Châu, theo số liệu tính đến 02/08.
Thống kê số người thiệt mạng tăng cao gần ba tuần sau khi lũ lụt xảy ra ở Trịnh Châu làm dấy lên lo ngại khả năng che giấu số liệu.
Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc mới chỉ có bảy trường hợp tử vong được báo cáo ở những ngôi làng gần thành phố Tân Hương, ngay cả khi nhiều khu vực nông thôn bị nước lũ nhấn chìm.
Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 02/08 thông báo sẽ cử đoàn công tác tới tỉnh Hà Nam điều tra thiên tai, bao gồm một nhóm chuyên gia để "đánh giá thảm họa một cách khoa học", đưa ra những khuyến nghị và truy cứu trách nhiệm của các quan chức, trong trường hợp họ có sai phạm.
Lũ lụt ở Trịnh Châu tháng trước xảy ra đột ngột và chưa từng có tiền lệ. Lượng mưa 617mm, gần bằng mức trung bình cả năm, đã được ghi nhận chỉ trong ba ngày.
Lũ lụt xảy ra ở Trịnh Châu từ 02/07 và sau đó lan sang các địa phương khác của tỉnh Hà Nam, trong đó có Tân Hương, được đánh giá tệ hại nhất lịch sử.
Giáo sư Yin Jie thuộc Trường Khoa học Địa chất thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông cho rằng thống kê số người chết có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới, thậm chí những tháng sắp tới, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn hiện đang phục hồi sau "trận lũ lụt lịch sử".
Giáo sư Yin cũng đánh giá rằng đợt lũ lụt vừa qua là cực đoan nhất trong các loại cực đoan". Yin cho biết ông không quá bất ngờ trước việc số trường hợp thiệt mạng tăng cao, đồng thời cho rằng có khả năng sẽ còn nhiều người chết ở các vùng nông thôn sẽ tiếp tục được báo cáo.
"Số liệu của Trịnh Châu tương đối chi tiết hơn và chính xác hơn bởi thành phố đã trở lại bình thường, nhưng Tân Hương vẫn đang thống kê thiệt hại, nhiều khu vực vẫn còn chìm trong bùn lầy," Yin giải thích.
"Ngay cả các số liệu được giới chức công bố tuần này cũng mới chỉ là sơ bộ," ông nói thêm.
"Những số liệu đó không phải là cuối cùng và sẽ còn được cập nhật. Sẽ có nhiều trường hợp thống kê trùng và báo cáo thiếu, do nhiều khu vực vẫn chưa phục hồi sau thảm họa, mọi nỗ lực vẫn đang tập trung vào tìm kiếm cứu nạn hơn là thống kê số người chết," Yin nói thêm.
Ông cũng cho rằng khó có khả năng có sự "che giấu cố ý".
"Các số liệu được ghi chép và báo cáo bởi giới chức cơ sở từ cấp làng xóm rồi chuyển lên trên. Nhiều quan chức không có kiến thức thống kê vững vàng, do đó có thể sẽ có trùng hợp và thống kê nhầm," Yin cho biết.
Cũng theo vị giáo sư, hầu hết các trường hợp thiệt mạng đã được báo cáo, bởi lũ lụt dữ dội xảy ra ở một thành phố đông dân "và cũng là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng. Ông cho biết lũ lụt sau 1-2 ngày đã lan tới Tân Hương, nhưng thành phố này "đã có thời gian chuẩn bị sau khi chứng kiến những gì xảy ra ở Trịnh Châu".
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)