Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của nước này, ban hành chỉ thị hôm 26/07 yêu cầu quan chức các địa phương chủ động hơn trong các tình huống khẩn cấp.
“Khi các tình huống bất thường như thời tiết cực đoan xảy ra, các quan chức cần kiên quyết đóng cửa trường học, tạm dừng sản xuất và kinh doanh, tạm dừng giao thông công cộng, đóng cửa các đường hầm và các điểm đen dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt,” chỉ đạo có đoạn.
“Chúng ta cần từ bỏ quan niệm trông vào vận may, loại bỏ sự ì ạch và tránh để lỡ thời cơ ngàn vàng để có thể giữ gìn tính mạng và tài sản cho người dân”, chỉ đạo nêu.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng lũ lụt tại tỉnh Hà Nam đã cho thấy lỗ hổng trong công tác đối phó thiên tai của Trung Quốc, cụ thể là các quan chức địa phương nên được linh động đưa ra quyết định dựa trên tình hình thực địa.
Lũ lụt bất ngờ và nghiêm trọng tại Hà Nam tuần trước, bao gồm cái chết của 12 người trong một tuyến tàu điện ngầm ở thành phố Trịnh Châu, khiến nhiều lãnh đạo cấp cao ở các tỉnh miền Đông Trung Quốc đứng ngồi không yên.
Bão In-fa thời điểm đó sắp đổ bộ, khiến một số quan chức đã ra chỉ thị đặc biệt đối với các hãng vận hành tàu điện ngầm, cho phép họ chủ động đưa ra quyết định trong tình huống khẩn cấp mà không cần chờ chỉ đạo từ cấp trên.
Bão In-fa đổ bộ lần hai hôm 26/07 tại thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang. Các nhà khí tượng học Trung Quốc tiếp tục ban hành cảnh báo da cam, dự đoán mưa lũ sẽ xảy ra tại nhiều khu vực ở nước này và kêu gọi chính quyền các địa phương có biện pháp đề phòng. Tại một số nơi, lượng mưa dự báo lên tới 220mm.
Trung Quốc có hệ thống cảnh báo thời tiết gồm bốn cấp, nghiêm trọng nhất là báo động đỏ, sau đó tới da cam, vàng và xanh.
Bão In-fa tuy chưa gây thiệt hại trên diện rộng, nhưng đã có những cảnh báo rằng mưa lớn, gió to có thể xảy ra các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và thành phố Thượng Hải trong những ngày tới.
Hôm 24/07, tỉnh trưởng Triết Giang Trịnh Sách Khiết cho biết việc phân chia trách nhiệm trong bộ máy cần rõ ràng, và “những quyết định nhanh chóng, kịp thời” phải được đưa ra “một cách quyết đoán và dựa trên khoa học”.
Ông Trịnh đã tới thị sát tuyến đường sắt ngầm tại Hàng Châu trước giờ bão In-fa đổ bộ, theo Nhật báo Chiết Giang.
Chỉ thị này được đưa ra vài ngày sau khi hàng trăm hành khách mắc kẹt trong các toa tàu điện ngầm ngập nước do ảnh hưởng lũ lụt ở Trịnh Châu, khiến 12 người thiệt mạng.
Những hình ảnh, video ghi lại cảnh hành khách mắc kẹt kêu cứu trong các toa tàu, nước lũ dâng tới ngực đã khiến dư luận bị sốc. Dân mạng đặt câu hỏi vì sao chính quyền chậm trễ trong việc tạm dừng hoạt động hệ thống tàu điện ngầm, dù đã có cảnh báo mưa lớn.
Zhu Shunzhong, một nhà báo điều tra giàu kinh nghiệm, hôm 25/07 đăng tải thư ngỏ trên mạng xã hội, yêu cầu các quan chức cấp cao của Trịnh Châu nhận trách nhiệm trong bi kịch kể trên.
Zhu cho rằng lẽ ra nhiều người đa có thể được cứu sống, nếu các lãnh đạo ở Trịnh Châu “chú ý tới báo động đỏ mưa lũ do cơ quan khí tượng ban hành”.
Truyền thông tỉnh Hà Nam trước đó đưa tin trong một cuộc hội thảo video hôm 13/07 về công tác phòng chống lũ lụt, bí thư Trịnh Châu Từ Lập Nghị đã yêu cầu thành phố đảm bảo “không xảy ra đình trệ giao thông nghiêm trọng”.
Mục tiêu này có thể làm chậm trễ phản ứng đối phó với lũ lụt, theo Gu Su, giáo sư Đại học Nam Kinh.
“Khi cấp trên đã có mục tiêu như vậy, quan chức địa phương sẽ phải xin ý kiến cấp trên trước khi có thể đóng cửa hệ thống tàu điện ngầm. Trong các trường hợp cấp bách, lãng phí một phút thôi cũng gây hậu quả rất lớn,” Gu nói.
“Đó là lý do vì sao lãnh đạo các tỉnh miền Đông, sau khi chứng kiến những gì xảy ra tại Hà Nam, đã có cách tiếp cận khác khi yêu cầu cấp dưới bỏ qua các quy trình quan liêu và chủ động ra quyết định trong các tình huống khẩn cấp để tránh vấp phải sai lầm tương tự,” Gu nói thêm.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)