Việc ông Mahathir lên làm thủ tướng ở tuổi 92 dường như đối lập với những Emmanuel Macron 41 tuổi ở Pháp, Sebastian Kurz 31 tuổi ở Áo hay Jacinda Ardern 37 tuổi ở New Zealand.
Sự trở lại của ông Mahathir lần này, 15 năm sau khi rời chính trường, đã đưa ông trở thành nhà lãnh đạo dân cử lớn tuổi nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Adly Zulkefly, một sinh viên luật 23 tuổi, hiểu rõ những điều này nhưng vẫn quyết định bỏ phiếu cho ông Mahathir trong lần đầu tiên đi thực hiện quyền cử tri. Có khoảng 5 triệu cử tri sẽ lần đầu tiên đi bầu, chiếm khoảng 34% tổng cử tri.
"Bầu cho một cựu thủ tướng 92 tuổi để trở thành lãnh đạo tiếp theo của đất nước nghe có vẻ nực cười", Adly chia sẻ, "nhưng nếu cựu thủ tướng đó cho thấy ông sẵn sàng thay đổi hệ thống này thì sao lại không chứ?".
Những người trẻ như Adly là một phần của phong trào đòi hỏi bộ mặt mới của chính trường Malaysia. Hơn 60 năm sau khi giành được độc lập, liên minh Barisan Nasional (BN) với nòng cốt là Tổ chức Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) luôn là lực lượng cầm quyền ở đất nước này.
Một số người mỉa mai trong khi Quốc vương Malaysia còn có nhiệm kỳ và luân phiên, sự lãnh đạo của BN đã kéo dài tới 6 thập kỷ.
Ibrahim Suffian, một nhà phân tích chính trị Malaysia, nhận định với đài SBS chính điều đó dẫn tới việc người trẻ Malaysia có xu hướng ủng hộ phe đối lập trong các cuộc tổng tuyển cử gần đây.
"Người trẻ có mối lo của riêng họ: công việc, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và chi phí sinh hoạt. Giá cả ngày càng đắt đỏ dưới thời ông Najib Razak khiến nhiều cử tri trẻ tuổi Malaysia bận tâm", ông Ibrahim phân tích.
Người ủng hộ ông Mahathir trắng đêm sau chiến thắng gây sốc của liên minh do ông dẫn dắt |
Sự kiểm duyệt ngày càng căng của chính quyền Najib trên truyền hình, báo in đã đẩy nhiều người trẻ đến các nền tảng như mạng xã hội với niềm tin rằng nó tự do và khách quan hơn.
Các dòng trạng thái ăn mừng chiến thắng của ông Mahathir, chế giễu BN trên Facebook những ngày này một phần không nhỏ đến từ người trẻ Malaysia.
Faris Aiman, 24 tuổi, còn quá nhỏ để nhớ những gì đã xảy ra khi ông Mahathir cầm quyền lần trước (1981 - 2003) nhưng anh tin cựu thủ tướng đã xin lỗi và sửa sai.
"Mọi người đang quá tập trung vào ông Mahathir mà quên đi rằng vẫn còn những người trẻ trong Pakatan Harapan (PH - Liên minh Hi vọng do ông Mahathir dẫn dắt vừa giành chiến thắng ngày 9-5). Đó mới là những lãnh đạo về sau của đất nước", Faris lập luận.
Mahathir - hiện thân của sự đoàn kết
Với Adam Eian, anh tin vào lời hứa chỉ cầm quyền 2 năm của thủ tướng Mahathir. Nhà lãnh đạo kỳ cựu của Malaysia cam kết sẽ chỉ nắm ghế thủ tướng 2 năm cho tới khi ông Anwar Ibrahim, cựu đối thủ của ông, được ân xá và trở lại chính trường.
Trọng trách khi đó có thể được giao lại cho người mới Anwar, đó là điều người ta tin sẽ sớm xảy ra trong 2 năm nữa.
Đã có những nỗ lực thay đổi vai trò lãnh đạo của BN trong quá khứ nhưng tất cả đều không thành công. Nhưng tại sao ông Mahathir lại làm được điều lịch sử đó?
Người đàn ông này nhận được sự ủng hộ không phải chỉ nhờ sự cam kết hay thái độ phụng sự nhân dân không mệt mỏi. Cần nhớ, tư cách người đứng đầu UMNO trong BN đã đưa ông Mahathir lên ghế thủ tướng lần đầu tiên năm 1981.
Điều quan trọng khiến người ta có niềm tin mạnh mẽ hơn vào cựu lãnh đạo 92 tuổi là việc ông đã dám rời bỏ BN, chống lại UMNO dưới sự dẫn dắt của người học trò Najib.
Trên thực tế, theo chuyên gia Wan Saiful Wan Jan, người đứng đầu Viện các vấn đề dân chủ và kinh tế Malaysia, chỉ có ông Mahathir mới đủ sức tập hợp tiềm lực của 4 đảng dưới ngọn cờ Liên minh Hi vọng.
Kể từ khi ông Mahathir gia nhập PH, tỉ lệ ủng hộ dành cho phe đối lập đã tăng một cách thấy rõ kể tại các bang vốn là khu vực ảnh hưởng của BN trong nhiều năm.
"Chúng tôi không ủng hộ cá nhân ông Mahathir. Chúng tôi ủng hộ chương trình cải tổ mà ông ấy cam kết", ông Wan Saiful nhấn mạnh.
Theo Bảo Duy (Tuổi Trẻ)