Lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7-9%/năm, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3% và Malaysia 4,6%

17/05/2017 10:41:00

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 diễn ra sáng nay, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho biết: "Lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7-9%/năm, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 diễn ra sáng nay, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho biết: "Lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7-9%/năm, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4…".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7-9%/năm, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3% và Malaysia 4,6%

Trong phần báo cáo đầu hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có phát biểu nhìn lại 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Người đứng đầu Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận định, Việt Nam đã cải thiện được môi trường kinh doanh một cách nhất định.

Điều này được biểu thị qua các con số. Cụ thể, trong năm 2016 số lượng doanh nghiệp được thành lập là 110 nghìn, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay; số dự án nước ngoài được đăng ký là 2.600 với 16 tỷ USD tiền vốn, tăng 23% so với cùng kỳ.

Ngân hàng Thế giới đã thăng hạng 9 bậc trong năm 2016 cho Việt Nam về chỉ số môi trường kinh doanh. Các đánh giá của Eurocham, Amcham, Jetro… cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện; các doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam.

Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế sau 1 năm thực thi chính sách.

“Cộng đồng doanh nghiệp phản ánh lại vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi”, ông nói.

Ví dụ, về cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, Bộ trưởng cho biết vẫn chưa giải quyết triệt để sự không thống nhất giữa các luật, dẫn đến vướng mắc khi thực thi; Vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng giải quyết một vấn đề, gây khó khăn, gia tăng gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp…

Vấn đề tiếp cận đất đai như thủ tục giải phóng mặt bằng, giá thuê đất cao cùng các thủ tục cấp phép vẫn là vấn đề nan giải với doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV vẫn gặp khó khăn để có mặt bằng sản xuất”, Bộ trưởng nói.

Đặc biệt đối với chi phí kinh doanh, Bộ trưởng Dũng ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp là chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao nếu so sánh với các nước trong khu vực.

Cụ thể: Lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7-9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%; Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4...

Ngoài ra các chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Lý giải cho những hạn chế trên, Bộ trưởng Dũng cho rằng đó là do người đứng đầu một số Bộ, ngành địa phương vẫn chưa ý thức đầy đủ về tầm quan trọng triển khai Nghị quyết 35. Nhiều cán bộ, công chức vẫn chưa đổi mới tư duy, từ quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp. Các Bộ ngành, trung ương – địa phương phối hợp với nhau chưa được tốt.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhận xét vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong công tác đối thoại với chính quyền vẫn mờ nhạt, chưa bảo vệ được lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, biến doanh nghiệp thành động lực phát triển của nền kinh tế như mục tiêu Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu ra 7 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, xoá bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính. Trong đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp được phát triển, kinh doanh ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan, đơn giản hoá các điều kiện đầu tư, kinh doanh…

Thứ hai, tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, tính giá thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các mức thuế sử dụng đất…

Thứ ba, tiếp tục mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh như thị trường bán lẻ, thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt…Thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực mua sắm công; Quyết định số 58 thu hẹp các lĩnh vực mà DNNN nắm giữ, để tạo thị trường cho khu vực tư nhân tham gia vào các ngành, lĩnh vực quan trọng.

Thứ tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay thông qua việc minh bạch quy định, thủ tục, điều kiện vay; rà soát quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm tài sản thế chấp vay vốn tại ngân hang;-Đẩy nhanh triển khai hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng tạo kênh hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Thứ năm, tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp trong kinh doanh. Cụ thể, khắc phục ngay các bất cập trong quản lý dự án BOT, mức thu phí, vị trí thu phí; chuyển sang thu phí điện tử không dừng, áp dụng công nghệ phù hợp để giám sát thu phí; đấu thầu công khai trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT. Có các giải pháp phù hợp để giảm lãi suất; đẩy nhanh xử lý vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản để trả nợ cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Thứ sáu, kiên trì thực hiện chủ trương thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với một doanh nghiệp không quá 1 lần trong năm, trong đó lưu ý việc phối hợp thanh tra liên ngành ở cấp địa phương, tập trung trong các lĩnh vực nổi cộm như thuế, kiểm toán, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động…

Thứ bảy, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp; tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh…

Trên cơ sở các nội dung chính nêu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị nhằm tiếp tục tăng cường triển khai hiệu quả Nghị quyết 35.

“Yếu tố then chốt là người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần Nghị quyết 35, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả; cán bộ công chức phải thay đổi tư duy, thái độ, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ”, Bộ trưởng nói.

Theo Đức Minh (Trí Thức Trẻ)