Vẫn chưa rõ lý do quân đội Mỹ tìm mua loại súng trường này. Được biết, AK-47 là một trong những súng trường tiêu chuẩn được quân đội Ukraine sử dụng rộng rãi. Theo The Drive, Bộ Chỉ huy Hợp đồng Quân đội Mỹ ở New Jersey đã đăng thông báo tìm kiếm các nguồn cung cấp súng trường tấn công AK-74 và các linh kiện đi kèm trên trang web hợp đồng SAM.gov của chính phủ Mỹ, song không tiết lộ lý do tìm mua cũng như việc súng trường này sẽ được sử dụng cho mục đích gì.
Thông báo không nêu rõ số lượng Ak-74 mà quân đội Mỹ cần, nhưng cho biết Lục quân Mỹ quan tâm đến súng trường tấn công cỡ nòng nhỏ 5,45 mm của Nga hoặc các bản sao của chúng được sản xuất ở các quốc gia khác, thường là tại khu vực châu Âu.
“Súng trường quân đội muốn mua là súng trường tấn công Kalashnikov AK-74 có báng súng cố định và cỡ nòng khoảng 5.45x39mm”. Ngoài ra còn một loạt phụ kiện đi kèm như 4 băng đạn cho mỗi khẩu súng, bộ vệ sinh vũ khí, dây đeo vai và hướng dẫn cho người sử dụng. Tuy nhiên, Lục quân cho biết, việc mua các phụ kiện này phụ thuộc vào tình trạng và nguồn gốc của súng.
AK-74nặng khoảng 3,4 kg (không hộp tiếp đạn), dài tổng thể 943 mm, có hộp tiếp đạn 30 viên. Súng đạt tốc độ bắn 600 phát/phút, sơ tốc đạn 900 m/giây. AK-74 có tầm bắn hiệu quả từ 500 đến 800m tùy vào từng loại mục tiêu và tầm bắn tối đa có thể lên đến 3.000m. Xét ở góc độ quân sự, AK-74 cho phép khai hỏa tự động một cách có kiểm soát để thực hiện nỗ lực áp chế.
Phía Mỹ nói rằng không chỉ những khẩu AK-74 do Nga sản xuất phù hợp với họ, mà còn cả những loại súng khác được phát triển dựa trên thiết kế của AK-74 như PA md.86 của Romania hay MPi AK-74 của Đức. Mpi AK-74 được cho là bản sao trực tiếp của AK-74 do Đức sản xuất theo giấy phép của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Còn súng trường PA md.86 của Romania là sự kết hợp giữa súng trường tấn công huyền thoại AKM cỡ nòng 7,62x39mm và AK-74.
Không rõ lý do tại sao những khẩu súng trường này được chấp nhận trong khi súng trường Tantals của Ba Lan có nguồn gốc từ AKM thì không. Mặc dù cả 2 loại súng này đều có nhiều điểm tương đồng về hình dáng bên ngoài.
Theo Lục quân Mỹ, các loại súng trường AK-74 mới hoặc đã qua sử dụng, chưa tân trang hoặc dư thừa đều đạt yêu cầu, miễn là chúng được xác định đủ độ an toàn khi sử dụng. Ngoài ra, súng trường được lắp ráp từ các linh kiện rời cũng được quan tâm.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, chắc chắc sẽ có rất nhiều nguồn cung cấp tiềm năng đối với súng trường AK-74 và các phiên bản khác nhau của nó vì súng trường này đã được xuất khẩu sang hàng chục quốc gia trong những năm qua. Mặc dù Nga là nhà sản xuất chính, nhưng nhiều tập đoàn quốc phòng trên thế giới, trong đó có cả ở Mỹ vẫn tìm cách chế tạo các loại súng trường tương tự dựa trên thiết kế của AK-74 hoặc lắp ráp lại từ các phụ tùng thu mua được. Do có nhiều phiên bản khác nhau, nên AK-74 có thể có cỡ nòng tiêu chuẩn 5.45x39mm hoặc 5.56x45mm.
Vẫn chưa rõ lý do Lục quân Mỹ tìm mua súng trường AK-74 của Nga. Một số nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng Mỹ muốn cung cấp loại vũ khí này cho các lực lượng vũ trang Ukraine. Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, quân đội Ukraine, đặc biệt là những đơn vị tình nguyện của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ thường thiếu những vũ khí nhỏ. Các binh sỹ đôi khi phải sử dụng những khẩu súng máy có từ Thế chiến 1 hoặc Thế chiến 2. Hiện giờ, các loại vũ khí nhỏ đã và đang tiếp tục có mặt trong những gói viện trợ quân sự nước ngoài dành cho Ukraine.
Tuần trước, Lầu Năm Góc đã công bố một gói viện trợ mới cho quân đội Ukraine, trong đó có hơn 2,7 triệu viên đạn và nhiều vũ khí nhỏ khác, được lấy trực tiếp từ kho dự trỡ của quân đội Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể sử dụng AK-74 cho các mục đích khác. Lục quân cũng như nhiều nhánh khác của quân đội Mỹ thường duy trì kho dự trữ các loại vũ khí nước ngoài để trang bị cho lực lượng đặc nhiệm hoặc dùng làm vũ khí đối kháng trong các cuộc tập trận nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực quân đội hay hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển khí tài quân sự.
Theo các nhà quan sát, bất kể Mỹ mua AK-74 vì mục đích gì thì động thái này có thể khiến Nga phải đưa ra phản ứng phù hợp. Moscow đã nhiều lần chỉ trích nỗ lực của chính phủ Mỹ trong việc cung cấp cho đồng minh, đối tác những loại vũ khí do Mỹ sản xuất hoặc tạo điều kiện thay thế các loại vũ khí hoặc đạn dược cỡ nhỏ do Liên Xô chế tạo. Nga cho rằng mục tiêu thực sự của Mỹ là giảm thị phần của Nga trên thị trường vũ khí. Nhiều báo cáo gần đây dự đoán, hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga có thể sụt giảm do các lệnh trừng phạt mạnh tay của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự mà nước này thực hiện ở Ukraine./.
Theo Hồng Anh (Vov.vn)