Lãnh đạo châu Á lo lắng
Nhà Trắng cuối tuần trước cho biết, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ đến Singapore tham dự hội nghị ASEAN trước khi đến Papua New Guinea để tham dự APEC 2018. Hội nghị thượng đỉnh APEC thường có sự tham dự của 21 nhà lãnh đạo, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Quyết định này xua tan khả năng diễn ra một cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa 2 nước ngày càng căng thẳng.
Sự vắng mặt của ông Trump có thể sẽ khiến một số lãnh đạo châu Á lo lắng khi các nước này đang mong muốn Mỹ sẽ hạn chế ảnh hưởng kinh tế và quân sự đang trỗi dậy của Trung Quốc.
Các quan chức chính quyền Washington đang xúc tiến chiến lược "Ấn Ðộ-Thái Bình Dương" nhằm tăng cường cam kết với khu vực, sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương và đặt câu hỏi về chi phí liên minh an ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Oh Ei Sun, cố vấn cao cấp cho các vấn đề quốc tế tại Viện Chiến lược và Lãnh đạo Châu Á tại Malaysia cho biết, sự vắng mặt của Tổng thống Trump sẽ củng cố ấn tượng rằng nước Mỹ đã từ bỏ sự hiện diện truyền thống ở châu Á - Thái Bình Dương.
"Đây không phải là một động thái tốt khi Mỹ cố gắng thể hiện tầm quan trọng của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương với khu vực", Conor Cronin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết trên Twitter.
Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á tại Tổ chức Di sản, nhận định về quyết định này một cách đơn giản: "Sai lầm".
Món quà cho Trung Quốc?
Nếu không có ông Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có nhiều không gian hơn để kêu gọi sự ủng hộ cho các dự án thương mại và phát triển của Trung Quốc, chẳng hạn như Sáng kiến Vành đai - Con đường.
Ông Tập Cận Bình là lãnh đạo đầu tiên xác nhận tham dự APEC tại Port Moresby, Papua New Guinea, nơi ông cũng có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh riêng với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, việc vắng mặt của Mỹ trong các hội nghị này không phải không có tiền lệ. Hồi năm 2013, cựu Tổng thống Barack Obama đã bỏ qua cuộc họp APEC tại Indonesia khi chính phủ liên bang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng.
Sự vắng mặt của ông Obama năm đó được coi là một món quà cho Trung Quốc, khi quan chức Bắc Kinh họ nhấn mạnh sự quan tâm với các nước trong khu vực. Tương tự như vậy, trong tháng 11, một đội ngũ lớn quan chức Trung Quốc được dự kiến sẽ có mặt ở Port Moresby để thúc đẩy sáng kiến Vành đai và con đường.
Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, cho biết những nỗ lực gần đây của các quan chức Mỹ trong khu vực sẽ giúp bù đắp sự vắng mặt của Trump.
Trong đó có việc Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo vừa tuyên bố sáng kiến kinh tế trị giá 300 triệu USD cho khu vực
Washington dự kiến sẽ vẫn cam kết và tham gia vào khu vực cũng như vẫn sẽ có những nỗ lực đáng kể của các nước trong khu vực để giữ sự hiện diện trong khu vực khi "cái bóng" Trung Quốc đang dần hiện ra, ông Koh nói.
Theo Minh Khôi (Soha/Trí Thức Trẻ)