Vụ việc này không chỉ phơi bày những sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm mà còn hé lộ cách thức các đối tượng "bắt tay" với cán bộ nhà nước để đưa hàng tấn sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra ngày 13/5, các cán bộ Cục An toàn thực phẩm bị khởi tố bị cáo buộc đã nhận tiền "lobby" để bỏ qua các quy trình thẩm định, hậu kiểm và cấp phép cho các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng của Nguyễn Năng Mạnh.
"Bôi trơn" để nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng giả được cấp phép
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MEDIUSA) cùng đồng phạm đã thành lập và điều hành 9 công ty, bao gồm cả Nhà máy MediPhar và Nhà máy MEDIUSA, để sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả từ năm 2016.
Dựa trên danh sách các cơ sở được Cục An toàn thực phẩm công bố, Công ty cổ phần dược phẩm MEDIUSA (KCN Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) được cấp phép đạt chuẩn GMP vào ngày 13/8/2020, với thời hạn đến 13/8/2023. Nhà máy này được phép sản xuất đa dạng các dạng bào chế như viên nén, viên nang, cốm, bột, si rô, dung dịch và các chế phẩm chứa vi sinh.
Tương tự, Nhà máy sản xuất - Công ty cổ phần dược liên doanh MediPhar (cùng địa chỉ KCN Phú Nghĩa) được cấp phép GMP vào ngày 22/12/2020, có thời hạn đến 22/12/2023, với các sản phẩm được phép sản xuất là viên nang mềm, dạng lỏng và chế phẩm chứa men vi sinh dạng lỏng.
Theo quy định, điều kiện để sản xuất thực phẩm chức năng là nhà máy sản xuất phải được Cục An toàn thực phẩm thẩm định và cấp giấy chứng nhận GMP với thời hạn ba năm.
Bên cạnh đó, điều kiện để tiêu thụ thực phẩm chức năng trên thị trường là sản phẩm phải được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Do đó, để sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả trên thị trường, Nguyễn Năng Mạnh và Đỗ Mạnh Hoàng thống nhất chi tiền "lobby" cho Cục An toàn thực phẩm trong việc thẩm định, hậu kiểm và cấp phép công bố sản phẩm.
Cụ thể, để các nhà máy này nhanh chóng được thẩm định, hậu kiểm và cấp chứng nhận GMP, Nguyễn Năng Mạnh và Đỗ Mạnh Hoàng đã chi hơn 1 tỷ đồng cho đoàn kiểm tra thẩm định của Cục An toàn thực phẩm. Số tiền này được dùng để "ghi giảm" các lỗi trong quá trình thẩm định, được hướng dẫn cách khắc phục và kéo dài thời gian khắc phục lỗi.
Đáng chú ý, cơ quan chức năng cáo buộc rằng quá trình khắc phục lỗi tại Công ty MEDIUSA và MediPhar chỉ mang tính hình thức, đối phó. Các báo cáo khắc phục tồn tại được gửi qua hồ sơ và ảnh chụp mà không được kiểm tra tính xác thực. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm vẫn cấp bốn giấy chứng nhận GMP cho hai công ty này, tạo điều kiện cho việc sản xuất hàng loạt thực phẩm chức năng giả.
Thực phẩm chức năng giả "bủa vây" người cao tuổi và trẻ em
Theo điều tra, đường dây này đã thiết lập một quy trình sản xuất khép kín với nhiều công ty phụ trách từng công đoạn, từ sản xuất nguyên liệu kém chất lượng, đóng gói trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, in ấn bao bì giả mạo đến phân phối và bán lẻ.
Các sản phẩm giả mạo này được "khoác" lên lớp vỏ hào nhoáng với bao bì bắt mắt, tem chống giả tinh vi và giấy kiểm định giả. Nhiều sản phẩm còn giả danh hàng ngoại nhập từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, trong khi nguồn nguyên liệu chủ yếu lại từ Trung Quốc hoặc trôi nổi trong nước.
Về chất lượng, nhiều sản phẩm chỉ đạt dưới 30% so với công bố. Khi phát hiện nguy cơ bị phát hiện, các đối tượng lập tức tẩu tán, tiêu hủy tang vật và đóng cửa nhà máy để xóa dấu vết.
Điều đáng phẫn nộ là các đối tượng này nhắm đến những nhóm người dễ bị tổn thương nhất như người cao tuổi, trẻ em và người mắc bệnh nền, những người luôn có nhu cầu cao về các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe. Chúng sử dụng những lời quảng cáo "có cánh" về công dụng như tăng cường sức khỏe, giảm đau nhức xương khớp, tăng cường trí nhớ, phát triển chiều cao cho trẻ em để lừa đảo người tiêu dùng.
Qua quá trình khám xét, cơ quan công an đã thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng giả, đa dạng về chủng loại và được phân phối rộng rãi trên cả nước. Bị can Khúc Minh Vũ khai nhận phương thức tiêu thụ chính là thông qua trình dược viên, nhà thuốc và các công ty dược phẩm ở các tỉnh.
Vụ án này đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan và những lỗ hổng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ về tình trạng sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng giả, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Quy định cấp giấy chứng nhận sản xuất, công bố sản phẩm thế nào?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (health supplement, dietary supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Để đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, ngoài các quy định chung về bảo đảm an toàn thực phẩm, đơn vị sản xuất phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo theo tiêu chuẩn đã công bố đến nhân viên có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm và nhiều quy định về sản xuất nghiêm ngặt khác.
Sau khi các công ty nộp đủ các hồ sơ liên quan, trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thành lập đoàn thẩm định và tiến hành đánh giá thực tế tại cơ sở. Nếu kết quả thẩm định đạt yêu cầu, cơ quan tiếp nhận sẽ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong thời gian không quá 30 ngày làm việc.
Trong trường hợp kết quả thẩm định tại cơ sở không đạt yêu cầu, đoàn thẩm định sẽ yêu cầu khắc phục và giải quyết hồ sơ trong vòng 3 tháng. Theo quy định hiện hành, chi phí cho một lần cấp giấy chứng nhận là 22.500.000 đồng.
Cũng theo quy định của Bộ Y tế, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe có giá trị ba năm kể từ ngày cấp.
Trước khi hết hạn sáu tháng, cơ sở có trách nhiệm nộp hồ sơ đăng ký cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Đối với cấp giấy tiếp nhận bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng được phân quyền cho Cục An toàn thực phẩm quyết định.
Không giống như các sản phẩm tự công bố, hồ sơ cấp giấy tiếp nhận phải phù hợp với quy định an toàn thực phẩm; kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng, gồm các chỉ tiêu theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, của phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận hoặc phòng kiểm nghiệm được thừa nhận.
Thông tin, tài liệu khoa học chứng minh về tác dụng của mỗi thành phần tạo nên chức năng đã công bố. Mẫu sản phẩm và các quy định liên quan khác.
Thời gian xử lý hồ sơ trong vòng 30 ngày làm việc và chi phí hồ sơ là 150.000 đồng/1 sản phẩm đối với hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Dù quy định đã rất rõ ràng và chặt chẽ, thế nhưng để sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả trên thị trường, những công ty này thống nhất chi tiền "lobby" cho Cục An toàn thực phẩm trong việc thẩm định, hậu kiểm và cấp phép công bố sản phẩm, tiếp tay cho hàng trăm sản phẩm giả đưa ra thị trường.
Theo PV (SHTT)