Tương lai bất định của người Myanmar trốn sang Ấn Độ: Nếu bị trả về, tôi sẽ phải đối mặt với án tử

20/03/2021 10:10:00

"Nếu chính phủ Ấn Độ bắt được tôi và đưa tôi về nước, một bản án tử hình đang chờ tôi ở Myanmar", một nhân vật bày tỏ sự lo lắng trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Al Jazeera.

Vài tuần sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 ở Myanmar, Kunga, 24 tuổi - một sĩ quan cấp thấp của quân đội Myanmar, đã nhận được một nhiệm vụ mới: đó là theo dõi những người biểu tình thuộc phong trào bất tuân dân sự (CDM) ở thị trấn Tonzang, bang Chin.

Không lâu sau đó, Kunga đã quyết định rời hàng ngũ quân đội, gia nhập CDM và chạy trốn sang nước láng giềng Ấn Độ.

Tương lai bất định của người Myanmar trốn sang Ấn Độ: Nếu bị trả về, tôi sẽ phải đối mặt với án tử
Nhân vật Kunga. Ảnh Sadiq Naqvi/Al Jazeera

Kunga chỉ là một trong số vài chục sĩ quan cảnh sát và thường dân Myanmar đã chạy trốn đến vùng Đông Bắc Ấn Độ trong bối cảnh các cuộc biểu tình tiếp diễn và quân đội sử dụng bạo lực trấn áp biểu tình. Các báo cáo cho biết ít nhất 180 người đã chết vì bạo lực ở Myanmar.

Tuy nhiên, không có thông tin cụ thể về số lượng quan chức và công dân Myanmar đã chạy trốn khỏi đất nước đến các bang Mizoram và Manipur ở vùng Đông Bắc Ấn Độ.

Các nguồn tin của Assam Rifles, lực lượng bán quân sự của Ấn Độ bảo vệ biên giới Ấn Độ-Myanmar dài 510 km (316 dặm), ước tính có khoảng 264 người Myanmar đã vượt biên, và 3/4 trong số họ là cảnh sát.

Ông K Vanlalvena, một thành viên của Quốc hội đại diện cho bang Mizoram, cho biết con số này đang tăng lên hàng giờ.

"Tôi có một số báo cáo rằng hơn 400 người Myanmar đã chạy trốn sang Mizoram", ông Vanlalvena cho biết hôm thứ 17/3 - một ngày sau khi ông kêu gọi chính phủ Ấn Độ cho phép những người dân Myanmar tị nạn tại nước này.

Tương lai bất định của người Myanmar trốn sang Ấn Độ: Nếu bị trả về, tôi sẽ phải đối mặt với án tử - 1
Ảnh: Sadiq Naqvi/Al Jazeera

Lời kêu gọi trên của ông Vanlalvena, người đại diện cho Mặt trận Quốc gia Mizo - đảng chính trị hiện đang nắm quyền ở bang Mizoram - đã được đưa ra sau khi New Delhi thể hiện rõ lập trường rằng người tị nạn Myanmar không được chào đón ở nước này.

Ít nhất 8 công dân Myanmar đã được Assam Rifles trả về Myanmar sau khi có chỉ đạo từ New Delhi về việc cấm nhập cư trái phép.

Một lãnh đạo cộng đồng ở làng Farkawn ở biên giới Ấn Độ-Myanmar cho biết 14 người từ Myanmar vừa đến vào đầu tuần này đã bị Assam Rifles trả về quê hương.

"Họ là người của tôi"

Kunga may mắn vượt biên trót lọt vào ngày 7/3, sau cuộc hành trình kéo dài 4 ngày.

Người này cho biết anh đã sử dụng xe máy để di chuyển, sau đó bỏ lại nói trong một ngôi làng để tránh sự theo dõi của quân đội. Sau đó, Kunga đã tiếp tục đi bộ 2 ngày tới biên giới Ấn Độ.

"Tôi nhận được lệnh dò ​​tìm vị trí của các thành viên CDM và các thông tin khác về họ. Nhưng họ là người của tôi", Kunga nói với Al Jazeera tại nơi "trú ẩn" của ít nhất 25 người Myanmar, hầu hết tự xưng là cảnh sát.

 

Mặc dù Kunga xuất trình chứng minh thư màu xanh lá cây, Al Jazeera không thể xác minh độc lập thân phận quân nhân của anh ta.

"Tôi không muốn làm theo mệnh lệnh đó," Kunga nói khi đưa cho phóng viên một bức ảnh chụp chính mình trên điện thoại di động, trong đó anh mặc đồ quân nhân.

Kunga là người Chin, một trong nhiều nhóm dân tộc của Myanmar tập trung ở bang Chin, giáp với Mizoram. Hầu hết những người hiện đang "nương nhờ" ở Mizoram là người Chin.

"Chúng tôi không muốn bắt giữ những người biểu tình", Marli, một phụ nữ 30 tuổi tự xưng là cảnh sát từ Tedim ở bang Chin, nắm chặt tay người chồng 29 tuổi của cô - anh Vankung - người cũng tự xưng là một cảnh sát.

Vợ chồng Marli và Vankung đã kết hôn cách đây 2 tháng, vài ngày trước khi diễn ra cuộc đảo chính quân sự khiến chính phủ dân sự ở Myanmar bị lật đổ.

Tương lai bất định của người Myanmar trốn sang Ấn Độ: Nếu bị trả về, tôi sẽ phải đối mặt với án tử - 2
Vợ chồng Marli và Vankung (tên thật). Ảnh: Sadiq Naqvi/Al Jazeera

Họ cũng mang theo chứng minh thư nhưng Al Jazeera không thể xác minh độc lập thân phận của họ.

Cặp đôi này đã đến Mizoram vào sáng Chủ nhật tuần trước (14/3), hiện đang trú ẩn cùng ít nhất 25 người khác trong một sảnh lớn của một tòa nhà đang xây dựng nhìn ra một thung lũng tươi tốt.

Tại đây, mọi người ngủ trên sàn, trên nệm và ga trải giường do người dân địa phương cung cấp, và dùng ba lô làm gối.

Có thể thấy rõ sự tức giận đối với quân đội Myanmar trong nhóm những người bất đồng chính kiến ​​này.

Tương lai bất định của người Myanmar trốn sang Ấn Độ: Nếu bị trả về, tôi sẽ phải đối mặt với án tử - 3
Ảnh: Sadiq Naqvi/Al Jazeera

"Chúng tôi yêu quý người dân, nhưng chính quyền quân sự đã buộc chúng tôi phải làm tổn thương họ. Đây là lý do tôi rời bỏ công việc", một người tên Suan cho biết anh từng làm cảnh sát ở Tedim.

Suan trốn khỏi Myanmar cùng một số người khác trong đêm 9/3, đồ đạc của anh được chứa trong một chiếc ba lô nhỏ màu tím. Cũng như bao người khác, anh đã bỏ lại gia đình mình ở lại quê hương.

Án tử đang chờ chúng tôi ở quê nhà

Khi vượt biên sang Ấn Độ, Kunga đã nhận được tin xấu.

"Một người họ hàng nói với tôi rằng cha tôi đã bị bắt ngay sau khi tôi rời đi", Kunga cho biết cha mình là một thợ mộc 63 tuổi. "Tôi không biết cha hiện ra sao".

Kunga cho biết bây giờ anh thậm chí còn sợ cả việc gọi điện cho gia đình của mình. "Họ sẽ bắt giữ người mà tôi liên lạc qua điện thoại," anh nói.

Tương lai bất định của người Myanmar trốn sang Ấn Độ: Nếu bị trả về, tôi sẽ phải đối mặt với án tử - 4
Ảnh: Sadiq Naqvi/Al Jazeera

Những người chạy trốn khác cũng có nỗi sợ hãi tương tự. Suan cho biết anh lo lắng cho vợ và đứa con hai tuổi mà anh bỏ lại quê hương. Vì sợ hãi, anh chỉ mới nói chuyện với gia đình đúng một lần kể từ sau khi vượt biên.

Suan nói với Al Jazeera: "Tôi nói với vợ mình rằng nếu tình hình Myanmar cứ tiếp diễn như hiện tại và chính phủ dân chủ không trở lại, tôi không biết mình sẽ phải ở lại Mizoram bao lâu nữa."

"Trong tình huống này, làm sao ta có thể chắc chắn về điều sẽ xảy ra với mình trong tương lai?", Kunga nói.

Nhiều người lo sợ họ sẽ trả về nước. Ấn Độ không phải là quốc gia tham gia ký kết Công ước Người tị nạn của Liên Hợp Quốc.

Trong một chỉ thị được ban hành vào ngày 10/3 đối với các bang giáp biên giới với Myanmar, Bộ Nội vụ liên bang của Ấn Độ đã chỉ đạo các nhà chức trách địa phương thực hiện "các hành động nhằm xác định những người di cư bất hợp pháp và bắt đầu quy trình trục xuất nhanh chóng, không chậm trễ".

"Chúng tôi có thể sẽ bị đuổi về nước," Marli nói. "Chúng tôi sẽ cố gắng trốn đi nếu họ bắt đầu làm điều đó".

Suan cho biết anh ấy đã tham gia CDM. "Tình hình tại Myanmar rất nguy hiểm đối với chúng tôi", anh nói.

Nhưng Kunga vẫn hy vọng rằng Ấn Độ cuối cùng sẽ cung cấp cho họ quy chế tị nạn.

Trong khi Ấn Độ không có khung chính sách cho người tị nạn, nhiều người dân tộc Chin vượt biên sang Ấn Độ trong những đợt bất ổn trước đó ở Myanmar đã được Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cấp thẻ tị nạn. Nhiều người trong số họ đang sinh sống ở thủ đô New Delhi.

"Nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ gọi gia đình mình đến đây. Nếu không, tôi sẽ lao động chân tay ở đây", Suan nói khi đôi mắt chăm chú dõi về phía những ngọn đồi Lushai từ cửa sổ hành lang, nơi cư trú tạm thời của anh ở Mizoram.

"Nếu chính phủ Ấn Độ bắt được tôi và đưa tôi về nước, một bản án tử hình đang chờ tôi ở Myanmar", Suan nói.

* Tên một số nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của họ.

Theo Hồng Anh (Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Nổi bật