Đại sứ Kyaw Moe Tun cho biết nhóm nghị sĩ thuộc Ủy ban Đại diện Quốc hội Liên bang Myanmar (CRPH) đang tìm cách buộc các thành viên quân đội Myanmar phải chịu trách nhiệm về bạo lực xảy ra sau vụ đảo chính.
"ICC là một trong những phương án được tính tới," ông Kyaw Moe Tun nói trong sự kiện của Viện Nghiên cứu Nhân quyền thuộc Đại học Columbia.
"Chúng tôi không phải là thành viên của ICC, nhưng cần xem xét các phương án và biện pháp để đưa vụ việc lên ICC," ông nói thêm.
Myanmar rơi vào khủng hoảng từ khi quân đội nước này tiến hành đảo chính, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, với lý do là các cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020. Biểu tình phản đối đảo chính nổ ra ngay sau đó.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), khoảng 217 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar từ sau đảo chính.
Myanmar không phải là thành viên của ICC. Tuy vậy, Kyaw Moe Tun cho biết CRPH đã xem xét kỹ điều 12.3 của Quy chế Rome về việc thành lập tòa án. Theo điều khoản này, Myanmar có thể trình tuyên bố lên thư ký tòa án để "chấp nhận việc thực thi quyền tài phán của tòa án về tội hình sự được nhắc tới".
Động thái này được dự đoán sẽ làm bùng lên tranh luận về việc bên nào được quốc tế công nhận là chính quyền của Myanmar, theo Reuters.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể đưa vụ việc ra ICC, tuy vậy Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực vốn có quyền phủ quyết, nhiều khả năng không ủng hộ động thái này.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)