"Các anh muốn bao nhiêu tiền, tôi sẽ cho bấy nhiêu. Tôi xin các anh, làm ơn đừng tấn công nhà máy của tôi mà" - ông Gu, chủ một nhà máy ở thành phố Yangon bị thiệt hại nặng nề sau vụ đốt phá, cướp bóc hôm 14-15/3 vừa qua đã van xin những kẻ tấn công tha cho "miếng cơm manh áo" của mình và biết bao công nhân khác.
Nhưng lời khẩn nài của ông Gu đã không có tác dụng. "Nhưng họ chẳng cần tiền. Điều họ muốn thể hiện [thông qua vụ đốt phá] là: 'Tôi không thích người Trung Quốc ở Myanmar" - chủ nhà máy người Trung Quốc chia sẻ với báo giới sau vụ tấn công gây thiệt hại nặng nề.
Ông Gu là một trong số 32 chủ nhà máy dệt may do Trung Quốc đầu tư ở Myanmar đã bị đốt phá và cướp bóc ác liệt gần đây. Theo Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar, tổng thiệt hại về của cải, vật chất có thể lên đến 240 triệu Nhân dân tệ (tương đương khoảng 36,89 triệu USD). Hai người lao động Trung Quốc đã bị thương trong vụ tấn công.
Hội đồng chính quyền nhà nước Myanmar đã ban bố lệnh thiết quân luật tại các khu vực bị phá hoại, trao quyền hành chính và tư pháp cho tư lệnh vùng Yangon để duy trì pháp quyền và đảm bảo sự yên bình cho khu vực. Sau đó, thêm 4 thị trấn đã được thêm vào danh sách áp dụng thiết quân luật.
Bắc Kinh yêu cầu Myanmar cần có các "biện pháp cứng rắn"
Phản ứng về các vụ tấn công nhằm vào hàng loạt nhà máy Trung Quốc, Bắc Kinh đã yêu cầu Myanmar cần có các biện pháp "cứng rắn" và hữu hiệu hơn để chấm dứt các hành vi bạo lực, trừng phạt thủ phạm theo quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn của công dân và doanh nghiệp Trung Quốc ở Myanmar.
"Chúng tôi rất lo lắng về an nguy của công dân Trung Quốc [ở Myanmar]", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ.
Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar bình tĩnh, kiềm chế và tìm cách giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và đàm phán, ông Triệu cho biết, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng người dân Myanmar sẽ thể hiện mong muốn và quan điểm của mình theo những cách hợp pháp.
Sau cuộc chính biến ngày 1/2, quân đội Myanmar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm - cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức để chọn ra chính quyền mới. Quân đội Myanmar đã cam kết sẽ trao quyền lực cho bất cứ đảng nào được nhân dân bầu chọn trong cuộc bầu cử mới.
Tâm lý bài Trung Quốc ở Myanmar
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), các vụ tấn công, phá hoại đã không chỉ dừng lại ở các nhà máy của Trung Quốc, mà còn lan ra các khách sạn và nhà hàng do người Trung Quốc sở hữu ở Hlaingthaya, Yangon.
Các vụ đốt phá, cướp bóc nhà máy của Trung Quốc tại Yangon chỉ là một trong những biểu hiện của làn sóng bài Trung Quốc bùng nổ ở Myanmar kể từ sau cuộc chính biến, do Bắc Kinh từ chối lên án lực lượng vũ trang Myanmar.
Trong những tuần gần đây, các cuộc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đã sôi sục tại Myanmar, và đông đảo người biểu tình đã tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc với yêu cầu Bắc Kinh lên án vụ đảo chính.
Được biết, một số người Trung Quốc tại Myanmar đã kêu gọi sơ tán công dân Trung Quốc khỏi đất nước này, nhưng ông Lee Htay, một chủ doanh nghiệp vận tải của Trung Quốc ở Yangon, cho biết điều này có thể sẽ rất phức tạp.
Ông giải thích: "Một số người Trung Quốc làm việc cho các công ty muốn hồi hương, nhưng những người chủ doanh nghiệp, nhà máy sẽ không cân nhắc đến việc rời đi trừ khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát. Có hơn 400.000 người Trung Quốc đang làm việc ở đây [Myanmar] và nhiều người trong số họ đang làm kinh doanh, họ không thể bỏ doanh nghiệp của mình về nước"./.
Theo Hồng Anh (Doanh nghiệp & Tiếp thị)