Từng gặp nhau rất sớm từ nhiệm kỳ đầu, tại sao đến giờ lãnh đạo Mỹ - Trung vẫn chưa nói chuyện?

29/04/2025 06:44:23

Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn, phản ứng với các mức thuế quan Mỹ áp đặt bằng một loạt các biện pháp đối phó và cho thấy rằng không có ý định lùi bước.

Động thái năm 2018 của ông Trump làm Bắc Kinh bất ngờ

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Donald Trump tại Mar-a-Lago lần đầu tiên vào tháng 4/2017, hội nghị thượng đỉnh này được coi là thời điểm quan trọng để xây dựng mối quan hệ cá nhân sau những lời đe dọa áp thuế quan được đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của ông Trump.

Cuộc gặp tại khu điền trang Florida của ông Trump phản ánh thiện chí của Bắc Kinh trong việc hành động nhanh chóng để tiếp cận một tổng thống Mỹ mới khó lường và góp phần nhấn mạnh cách ngoại giao cấp lãnh đạo từng được coi là thiết yếu để ổn định quan hệ.

Đến nhiệm kỳ thứ hai của Trump, đã không có triển vọng rõ ràng nào về bất kỳ cuộc gặp nào, mặc dù ông Trump đã bày tỏ thiện chí gặp ông Tập trong 100 ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng.

Thay vào đó, Trung Quốc quyết đoán hơn, phản ứng với các mức thuế quan Mỹ áp đặt bằng một loạt các biện pháp đối phó của riêng mình và cho thấy rằng họ không có ý định lùi bước.

Bắc Kinh cũng trở nên gay gắt hơn nhiều trong lời lẽ của mình, liên tục chỉ trích "sự bắt nạt" của Mỹ, đồng thời tìm cách tập hợp sự ủng hộ quốc tế cho lập trường của mình trong số các nước láng giềng và bằng cách tiếp cận các đồng minh lâu năm của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Từng gặp nhau rất sớm từ nhiệm kỳ đầu, tại sao đến giờ lãnh đạo Mỹ - Trung vẫn chưa nói chuyện?
Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Một số người cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc ít sẵn sàng nhượng bộ hơn vì phong cách thất thường của Tổng thống Trump và cách ông phản ứng với những nỗ lực hợp tác trong cuộc chiến thương mại năm 2018.

Zhang Baohui, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Lĩnh Nam của Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết Bắc Kinh hiện nghĩ rằng ông Trump là người khó đoán "và do đó, bất kỳ sự hiểu biết nào về ông ấy đều có thể bị đảo ngược sau này".

Ông cho biết Bắc Kinh đã "háo hức kết nối với ông ấy trong năm đầu tiên ở Nhà Trắng", với việc ông Tập Cận Bình đến thăm Mỹ và sau đó chào đón ông Trump đến Bắc Kinh vào cuối năm đó.

"Những cuộc họp này và sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các sáng kiến liên quan đến Triều Tiên của Mỹ tại Liên hợp quốc đã khiến Trung Quốc tin rằng họ đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác với ông Trump. Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan diễn ra vào năm 2018 đã khiến Trung Quốc bất ngờ", Zhang nhận định.

Năm 2018, Tổng thống Trump bắt đầu áp thuế đối với hơn 300 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và thúc đẩy Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận thương mại.

Thỏa thuận giai đoạn một được ký kết vào năm 2020, cam kết Trung Quốc sẽ mua thêm 200 tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm - mặc dù điều đó không xảy ra do sự bùng phát của Covid.

Đại dịch đã làm xấu đi mối quan hệ khi ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm những người theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc vào các vị trí chủ chốt "khiến nhiều người ở Trung Quốc nghĩ rằng ông sẽ theo đuổi chính sách cứng rắn" và điều này đã "ngăn cản" sự hợp tác từ Bắc Kinh.

Trung Quốc chuyển từ thụ động sang phản công

Sun Chenghao, người đứng đầu chương trình Mỹ - EU tại Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế, Đại học Thanh Hoa, cho biết Trung Quốc hiện không còn ảo tưởng về Trump và đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

"So với nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy, Trung Quốc điềm tĩnh hơn, đặc biệt là về thương mại và thuế quan ... không có gì có thể khiến chúng tôi đặc biệt ngạc nhiên hoặc bất ngờ", Sun nói.

Sun nói thêm rằng lần này Bắc Kinh đã chuyển từ phản ứng thụ động trước thuế quan của Trump sang phản công, dựa trên nhiều năm chuẩn bị để mở rộng bộ công cụ chính sách và cải thiện khả năng phục hồi kinh tế của mình.

Tháng này, Trung Quốc đã phản ứng với từng thông báo về thuế quan của Trump bằng các biện pháp riêng của mình.

Hiện tại, mức thuế của Bắc Kinh đối với hàng hóa của Mỹ đã tăng lên 125%.

Họ cũng đã mở rộng việc sử dụng các công cụ phi thuế quan, bao gồm kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản quan trọng cần thiết cho chất bán dẫn và pin, các lệnh trừng phạt tiếp theo nhắm vào các công ty Mỹ và các hạn chế mới đối với việc nhập khẩu phim của Mỹ.

Tuần này, ông Trump tuyên bố rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đã được tiến hành, nhưng Bắc Kinh đã phủ nhận.

Ryan Hass, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton tại Viện Brookings, cho biết việc thiếu các kênh trao đổi phù hợp đã khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên "thù địch và bất ổn".

Ông cho biết: "Ông Trump và ông Tập đều là những nhà lãnh đạo đáng xuất sắc. Không bên nào muốn bị coi là chịu khuất phục trước áp lực từ bên kia. Có thể sẽ cần một sự kiện hoặc tác nhân bên ngoài để đưa hai nhà lãnh đạo lại với nhau", Hass nói thêm.

Theo Minh Khôi (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật