Xuất phát điểm hoàn hảo của tên tội phạm
Dù giờ đây, mỗi khi nhắc đến cái tên Tsutomu Miyazaki, mọi người sẽ nhớ ngay đến tên sát nhân hàng loạt Otaku nhưng ít ai biết, hắn từng là một đứa trẻ khá rụt rè và ít nói.
Tsutomu chào đời vào tháng 8/1962 cùng với một dị tật bẩm sinh khiến cổ tay của hắn không thể uốn cong lại được, di chứng do bị sinh non. Chính vì khiếm khuyết này mà Tsutomu đã trải qua một tuổi thơ luôn phải chịu sự bắt nạt của bạn bè xung quanh. Từ đó, Tsutomu trở thành đứa trẻ sống khép kín, ít khi tham gia các sự kiện xã hội cũng chẳng hứng thú kết bạn với ai.
Tsutomu có thói quen giấu tay trong những bức ảnh chụp vì xấu hổ. Mỗi khi ở nhà một mình, hắn tận hưởng sở thích vẽ vời và đọc truyện tranh. Thành tích học tập của Tsutomu rất đáng tự hào khi lúc nào cũng góp mặt trong top 10 học sinh đứng đầu lớp. Lên đến trung học ở Nakano, Tokyo, hắn vẫn giữ phong độ học tốt với ước mơ sẽ trở thành giáo viên.
Thế nhưng, mong ước này sớm trở nên xa vời khi mà điểm số ở trường của Tsutomu đột ngột giảm mạnh. Từ một nam sinh giỏi hàng top, Tsutomu giờ đây chỉ "khiêm tốn" đứng thứ 40/56 và thi trượt Đại học Meji. Thay vào đó, hắn phải theo học trường cao đẳng ở địa phương để trở thành kỹ thuật viên ảnh số.
Thời điểm đó, không ai rõ lý do vì sao Tsutomu lại tuột dốc đến vậy nhưng nhiều người cho rằng nó liên quan đến tình hình gia đình của hắn.
Thời điểm đó, gia đình của Tsutomu khá nổi tiếng ở quận Itsukaichi, Tokyo. Bố hắn sở hữu một tòa soạn báo và Tsutomu được kỳ vọng sẽ là người thừa kế sáng giá sau khi bố nghỉ hưu. Nhưng từ khi còn nhỏ, Tsutomu đã thể hiện bản thân không hề hứng thú với sự nghiệp của gia đình. Bản thân Tsutomu tin rằng bố mẹ hắn không hề quan tâm đến thứ gì khác ngoài tiền bạc và danh vọng khiến hắn đâm ra thù ghét gia đình mình.
Mỗi khi tôi cố gắng trải lòng với bố mẹ về những vấn đề của tôi, họ liền gạt phăng tất cả.
Tsutomu nói với cảnh sát sau khi bị bắt.
Người duy nhất trong nhà mà Tsutomu cảm thấy gần gũi nhất chính là ông nội vì có vẻ như ông luôn quan tâm đến tâm tư của hắn. Tsutomu cũng không hề gắn bó với em gái trong khi lại thân thiết hơn với chị gái.
Lúc học cao đẳng, Tsutomu bắt đầu có nhiều biểu hiện kỳ lạ. Hắn chụp ảnh nhạy cảm của các tay vợt nữ trên sân đấu, xem tạp chí khiêu dâm... Năm 1984, Tsutomu tìm đến những nội dung khiêu dâm liên quan đến trẻ em. Thời gian này, Tsutomu từng có ý định tự tử nhưng chính ông nội đã giúp hắn vượt qua.
Năm 1988, ông nội qua đời và sự kiện này đã tác động rất lớn đến tâm lý của Tsutomu. Các chuyên gia tin rằng đây sự ra đi của ông nội đánh dấu điểm cực hạn của kẻ sát nhân Otaku.
Sát nhân Otaku
Các thành viên trong gia đình nhận ra sự thay đổi tâm lý của Tsutomu rõ rệt sau khi ông nội qua đời. Theo lời họ, tên này thường hay rình rập chị và em gái mỗi khi họ đi tắm. Khi bị phát hiện và chất vấn, Tsutomu quay sang tấn công đối phương. Có lần, hắn còn tấn công cả mẹ ruột.
Bản thân Tsutomu cũng khai nhận rằng sau khi ông nội qua đời, hắn đã nuốt một phần tro cốt của ông để cảm thấy gần gũi hơn với người đã khuất.
"Tôi cảm thấy rất cô độc. Bất cứ khi nào nhìn thấy một đứa trẻ chơi một mình, tôi như nhìn thấy chính mình" - Tsutomu nói sau khi bị bắt.
Tháng 8/1988, 1 ngày sau sinh nhật lần thứ 26 của mình, Tsutomu đã bắt cóc cô bé Mari Konno, 4 tuổi. Hắn chở đứa trẻ đến một khu vực có nhiều cây cối ở phía Tây Tokyo và đỗ xe dưới một cây cầu để tránh ánh mắt người đi đường. Tiếp đến, Tsutomu giết bé Mari trước khi cởi bỏ hết quần áo của đứa trẻ và cưỡng hiếp em. Sau khi gây án, Tsutomu vứt thi thể đứa trẻ ở một góc rừng rồi trở về nhà với quần áo nạn nhân.
Vài tuần sau đó, Tsutomu trở lại khu rừng để tìm xác bé Mari. Hắn loại bỏ tứ chi rồi mang những phần thi thể ấy về nhà cất trong tủ quần áo. Tsutomu gọi điện cho gia đình bé Mari nhưng chỉ thở dồn dập vào điện thoại và không hề lên tiếng. Đến cuối tháng 8/1988, Tsutomu gửi đến cho bố mẹ bé Mari một chiếc hộp chứa một phần hài cốt của bé Mari, tấm hình chụp bộ đồ mà đứa trẻ mặc trước khi mất tích kèm theo vài chiếc răng nhỏ và mảnh giấy ghi chú với nội dung: "Mari. Hỏa táng. Hài cốt. Điều tra. Bằng chứng".
Tháng 10/1988, Tsutomu bắt cóc bé gái thứ 2. Nạn nhân lần này của hắn là bé Masami Yoshizawa, 7 tuổi, người mà Tsutomu gặp được trên đường đi bộ về nhà. Tsutomu giả vờ tốt bụng cho đứa trẻ đi nhờ xe nhưng rồi sau đó, hắn lại giở thủ đoạn bắt cóc, giết và hãm hiếp hệt như những gì đã làm với bé Mari.
Sau khi phát hiện ra cái chết của Masami có nhiều điểm tương đồng với vụ án của bé Mari, cảnh sát tin rằng hung thủ là cùng một người và gọi hắn bằng biệt danh "sát nhân Otaku".
Trong vòng 8 tháng tiếp theo, 2 bé gái khác cũng bị mất tích và giết hại theo phương thức tương tự. Đặc biệt, nạn nhân cuối cùng được đánh giá là vụ án kinh hoàng nhất mà Tsutomu từng gây ra.
Tsutomu bắt cóc bé gái Ayako Nomoto, 5 tuổi, vào tháng 6/1989. Trước đó, hắn giả vờ hứa hẹn sẽ chụp ảnh cho đứa trẻ trước khi ra tay tàn độc giết nạn nhân và mang xác người chết về nhà thay vì vứt vào rừng như các vụ án trước.
Tại đây, Tsutomu đã dành 2 ngày để lạm dụng thi thể bé Ayako, chụp ảnh trước khi phân xác và uống máu nạn nhân. Thậm chí, kẻ sát nhân này còn để lại dấu răng trên bàn tay và chân của bé Ayako.
Khi thi thể bắt đầu phân hủy, Tsutomu phân xác nạn nhân thành từng phần và đến vứt ở nhiều địa điểm khác nhau khắp Tokyo, bao gồm nghĩa trang, nhà vệ sinh công cộng và cả khu rừng gần nhà.
2 tuần sau, Tsutomu lo sợ cảnh sát sẽ tìm thấy các phần thi thể trong nghĩa trang nên đã đến đó lấy và mang về nhà, giấu trong tủ quần áo.
Thời điểm đó, cảnh sát xác định được danh tính của phần hài cốt trong chiếc hộp Tsutomu gửi cho bố mẹ bé Mari, nạn nhân đầu tiên. Biết được thông tin này thông qua tin tức trên TV, kẻ sát nhân Otaku đã gửi một lá thư thú tội cho bố mẹ bé Mari, trong đó mô tả thi thể bé gái 4 tuổi đang bị phân hủy.
Kẻ thủ ác đền tội
Tháng 7/1989, Tsutomu nhìn thấy 2 chị em gái đang chơi trong sân vườn nên đã lao đến định bắt cóc đứa trẻ nhỏ hơn, lôi em lên ô tô của hắn. Người chị chạy đi gọi bố và khi chạy ra, người đàn ông này nhìn thấy Tsutomu đang chụp ảnh con gái mình trong xe.
Ông lao đến tấn công Tsutomu, giành lại con gái khỏi tay hắn nhưng đáng tiếc lại để tên này chạy trốn. Sau đó, Tsutomu quay trở lại để lấy ô tô thì bị cảnh sát phục kích bắt giữ. Sau đó, cảnh sát tiến hành lục soát xe cũng như căn hộ của Tsutomu và phát hiện tội ác kinh hoàng mà hắn đã gây ra.
Trong căn hộ của Tsutomu, cảnh sát tìm thấy hơn 5.000 cuộn băng video và những đoạn clip do hắn tự chỉnh sửa ghi lại cảnh hắn lạm dụng thi thể người chết. Nhân viên điều tra cũng tìm được những bức ảnh của các nạn nhân chết dưới tay Tsutomu cùng quần áo của các em. Chưa dừng lại ở đó, cảnh sát còn tìm thấy thi thể của nạn nhân thứ 4 đang phân hủy trong tủ quần áo nhưng xác chết thiếu mất 2 cánh tay.
Trong suốt phiên tòa xét xử, Tsutomu vẫn giữ được sự bình tĩnh đến rợn người. Các phóng viên ghi nhận rằng hắn khá thờ ơ, không hề quan tâm việc mình đã bị bắt, đồng thời cũng chẳng thể hiện thái độ ăn năn với những gì bản thân đã gây ra. Nhìn vào những gì mà Tsutomu thể hiện, nhiều người cho rằng kẻ sát nhân này cũng chẳng quan tâm đến hình phạt mà hắn sắp phải đối mặt.
Khi được hỏi về tội ác của mình, Tsutomu vẫn điềm tĩnh đổ lỗi cho một nhân cách khác buộc hắn phải gây ra những chuyện khủng khiếp thế này.
Các chuyên gia đã tiến hành giám định sức khỏe tâm thần của Tsutomu và xác định chính việc thiếu kết nối với bố mẹ đã tạo tiền đề để hắn trở thành kẻ sát nhân đáng sợ. Vì không có mối liên hệ với các thành viên trong gia đình, Tsutomu đã đắm chìm trong thế giới tưởng tượng, bao gồm truyện và phim mang tính chất bạo lực, chết chóc, như một niềm an ủi.
Sau khi mọi chuyện bị phanh phui, bố mẹ Tsutomu đã từ chối hỗ trợ con trai mình trong việc chi trả các khoản phí pháp lý cho hắn. Năm 1994, bố Tsutomu đã tự kết liễu đời mình.
Trong suốt nhiều năm tiếp theo, Tsutomu trải qua rất nhiều cuộc kiểm tra sức khỏe tâm thần nhưng kết quả cuối cùng xác định hắn là người có đầu óc sáng suốt, đủ điều kiện để nhận án tử hình.
Năm 2008, Tsutomu cuối cùng cũng phải trả giá cho những tội ác khủng khiếp mà hắn đã gây ra bằng hình thức treo cổ.
Theo Thái Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)