1 vụ giết người, 2 kẻ tranh nhau là hung thủ
Vài ngày sau khi thi thể của cô gái trẻ Taunja Bennett, 23 tuổi, được phát hiện trong khu rừng gần Portland (bang Oregon, Mỹ), cảnh sát nhận được điện thoại tự thú từ người phụ nữ tự xưng là Laverne Pavlinac.
Tại đồn cảnh sát, Pavlinac nói rằng đã tận mắt chứng kiến tình trẻ Joe Sosnovske cưỡng hiếp Bennett rồi ép mình cùng siết cổ nạn nhân tới chết. Từng bị quản chế vì lái xe khi say rượu, Sosnovske lập tức trở thành nghi phạm.
Nhiều lần phủ nhận không được, Sosnovske quyết định nhận tội để lĩnh án tù chung thân, với hi vọng được xét ân xá. Còn Pavlinac bị kết tội đồng phạm với mức án tương tự.
Trong lúc tin tức về việc bắt bớ, xét xử kẻ giết người lan truyền khắp nơi, người ta tìm thấy thông điệp kì lạ trong phòng tắm của bến xe bus ở Montana: "Tao đã giết Taunja Bennett vào ngày 21/1/1991 tại Portland, Oregon. Tao đánh cô ta đến chết. Tao cưỡng hiếp cô ta và tao thích thế. Đúng đấy, tao bệnh hoạn, nhưng rất thỏa mãn. Có người bị đổ lỗi, tao thì được tự do". Tên tác giả được thay bằng hình mặt cười.
Vài ngày sau, dòng chữ với nội dung tương tự, đi kèm chữ kí là mặt cười, được viết trên tường nhà vệ sinh nam tại trạm dừng xe tải ở Umatilla, Oregon. "Tao đã giết Taunja Bennett ở Portland. Hai người phải chịu tội thay. Còn tao vẫn tự do để tiếp tục giết chóc".
Thông tin này xuất hiện trong mục tin tức của một vài tờ báo địa phương, nhưng không được xem là đáng tin cậy. Cảnh sát thì bỏ qua vì cho rằng bạn bè của John Sosnovske đã viết chúng nhằm giúp hắn thoát án tù.
5 năm sau ngày vụ án khép lại, nội tình toàn bộ sự việc bất ngờ được tiết lộ cùng nhiều tình tiết li kì, khiến cảnh sát và giới truyền thông "ngã ngửa".
Hóa ra, Laverne Pavlinac đã khai man chỉ để tìm cách chia tay với tình trẻ, chấm dứt tình cảnh bị lạm dụng suốt nhiều năm. Bà ta dùng các thông tin đọc được trên báo để bịa ra câu chuyện Sosnovske cưỡng hiếp, sát hại, phi tang xác Bennett. Darlene Carpenter, con gái Pavlinac, từng chia sẻ trên báo chí rằng, đó không phải lần đầu tiên mẹ cô làm vậy: "Bà ấy đã tìm cách tố cáo ông ta thực hiện vụ cướp ngân hàng mà ông ta không liên quan".
Keith Hunter Jesperson, gã tài xế xe tải 40 tuổi, tác giả của những dòng chữ từng chẳng được chú ý, mới chính là hung thủ. "Cô ta là nạn nhân đầu tiên của tôi. Tôi nghĩ mình sẽ không làm vậy nữa. Nhưng tôi đã sai". Jesperson tiết lộ, lời tự thú trên tường là kết quả của nỗi bực tức vì bị kẻ khác "cướp công".
Ngồi tù vẫn không ngừng gửi thư thú tội
Liên tiếp trong 5 năm, cảnh sát và báo chí thi thoảng lại nhận được thư tự thú, mô tả những vụ giết người khác nhau, cùng chung 1 đặc điểm đặc trưng là chữ kí hình mặt cười.
Nổi bật nhất phải kể tới bức tâm thư dài 6 trang được gửi cho tờ báo địa phương The Oregonian, kể chi tiết quá trình sát hại 5 nữ nạn nhân tại 5 địa điểm khác nhau. Dù bày tỏ sự hối hận, Jesperson vẫn không quên khẳng định ở cuối thư: "Cứ cẩn thận. Tao ở gần hơn các người nghĩ". Biên tập viên Phil Stanford, người đã đăng tải thư tự thú dài kì này lên The Oregonian, đã dùng cái tên "Sát nhân có gương mặt cười" để đặt cho tác giả của nó.
Tích cực gửi tâm thư khắp nơi là vậy nhưng Jesperson dường như chưa bao giờ nhận về sự chú ý như mong muốn, cũng không được cảnh sát tìm ra.
Jesperson chỉ được cảnh sát "hỏi thăm" khi thi thể Julie Wingingham, bạn gái hắn, được phát hiện trên đường quốc lộ vào tháng 3/1995. Ngay cả tới lúc đó, họ cũng không có đủ bằng chứng để bắt hắn. Cuối cùng, kẻ giết người hàng loạt đành phải tự kết thúc chuỗi ngày gây án của chính mình bằng cách chủ động gọi điện thoại cho cảnh sát trưởng hạt Clark, Rick Buckner.
Lần này, không chỉ thừa nhận đã sát hại Julie Wingingham, hắn còn khai ra sự thật về cái chết của Taunja Bennett và những bức thư tự thú được gửi đi. Jesperson tuyên bố đã giết 166 nạn nhân, nhưng cảnh sát chỉ xác định được 8 vụ giết người do hắn gây ra.
Trong bức thư gửi cho anh trai trước ngày bị bắt, Jesperson viết: ""Khi nhìn thấy nó (thi thể của Winingham), em đã hy vọng họ sẽ bắt được em. Em đã uống 48 viên thuốc ngủ vào đêm qua và tỉnh dậy rất khoan khoái… Em xin lỗi vì thành ra như thế này… Dường như vận may của em đã hết".
Thậm chí, ngay cả khi ngồi tù chờ xét xử, Jesperson vẫn không ngừng gửi thư cho báo chí kể lể về tội danh của mình. "Tôi muốn chuyện này kết thúc chuyện này càng sớm càng tốt", hắn giãi bày với hãng tin AP. Thẩm phán Robert L. Harris đã phải đe dọa tước quyền sử dụng điện thoại và đưa vào biệt giam mới có thể buộc kẻ giết người hàng loạt này ngừng việc viết thư.
Với tất cả tội ác gây ra, Jesperson nhận mức án tù chung thân không ân xá tại nhà tù bang Oregon (Mỹ).
Theo Miên Di (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)