Một trong những triết lý kinh doanh của ông Trump được gọi là tư duy tiêu cực – dự đoán kết quả xấu nhất rồi chuẩn bị cho điều đó. "Tôi luôn đi vào thỏa thuận với dự đoán xấu nhất. Nếu bạn lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất - nếu bạn có thể trụ được với điều tồi tệ nhất thì điều tốt đẹp sẽ tự đến".
Nhưng liệu Mỹ có đang thực sự chuẩn bị cho đòn giáng trả tồi tệ nhất mà Trung Quốc có thể đưa ra trong cuộc chiến thuế quan hiện nay?
Trong một clip của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc đang lan chóng mặt trên truyền thông xã hội nước này, cảm giác chống Mỹ dường như đang ở đỉnh điểm. "Trung Quốc không muốn nhưng cũng không ngại chiến đấu", người dẫn chương trinh tuyên bố. "Sau 5.000 năm phong ba bão táp – còn khó khăn nào mà đất nước Trung Quốc vĩ đại không nếm trải?".
BBC nêu ra một số "đòn hiểm" mà Trung Quốc có thể đưa ra để giáng trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại leo thang hiện nay.
Bán trái phiếu chính phủ Mỹ
Trung Quốc là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất đối với trái phiếu chính phủ Mỹ nhưng hồi tháng 3 nước này đã đẩy mạnh bán ra, với tốc độ nhanh nhất trong vòng hai năm rưỡi qua, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ. Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục làm thế dù phải chịu thiệt hại ở mức nào đó.
Hu Xijin - Tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo – viết trên Twitter: "Trung Quốc có thể ngừng mua năng lượng và các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, giảm bớt đơn đặt hàng và hạn chế thương mại dịch vụ của Mỹ. Nhiều học giả Trung Quốc hiện đang bàn đến khả năng bán phá giá trái phiếu Mỹ và cách thức hành động cụ thể".
Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng rốt cuộc thì Trung Quốc sẽ càng tổn thương thêm mà thôi.
"Nói một cách đơn giản, nếu Bắc Kinh bán các trái phiếu chính phủ Mỹ, thì nó sẽ tác động đến đồng đôla và tiềm tàng gây bất ổn cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng với Trung Quốc, điều này cũng không tốt về dài hạn. Bắc Kinh cần một nền kinh tế toàn cầu ổn định. Do vậy tấn công Mỹ theo cách đó cũng sẽ khiến Trung Quốc bị tổn hại. Bên cạnh đó, bán các trái phiếu Mỹ cũng làm phá giá các cổ phần của chính Trung Quốc".
Giảm giá đồng Nhân dân tệ
Đồng tiền của Trung Quốc được kiểm soát có nghĩa là nó không được giao dịch một cách tự do. Ngân hàng Trung ương chỉ định trung điểm của đồng tiền rồi sau đó giao dịch trong biên độ hẹp xung quanh trung điểm đó.
Những ngày gần đây, đồng Nhân dân tệ đã giảm giá. Theo giới phân tích, đây chính là dấu hiệu cho thị trường là Trung Quốc sẵn sàng dùng đồng tiền của mình như một công cụ bù đắp tác động từ thuế quan Mỹ.
Đồng tiền của Trung Quốc càng yếu thì giá hàng hóa của nước này ở Mỹ càng rẻ. Về lý thuyết, điều này có nghĩa là sẽ thêm nhiều người mua hàng và các công ty Trung Quốc không chịu thiệt hại nhiều. Nhưng nhược điểm là nhập khẩu của Trung Quốc cũng sẽ đắt hơn - ảnh hưởng đến các mặt hàng như dầu lửa, và các vật liệu thô khác mà nước này cần để duy trì nền kinh tế.
Kìm hãm đầu tư nước ngoài
Đây là một lĩnh vực mà Trung Quốc có thể thực sự siết mũi dùi vào Mỹ.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc – và nó cũng mang lại lợi ích cho các công ty nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc, mặc dù môi trường kinh doanh đầy thách thức.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã quyết định siết chặt môi trường đầu tư.
Năm 2018, Trung Quốc là nước nhận FDI lớn thứ 2 thế giới, và một lượng lớn số tiền đó là từ Mỹ dù chiến tranh thương mại giữa hai bên ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, theo các báo cáo, Hội đồng Cải cách và Phát triển quốc gia của Trung Quốc (cơ quan lên kế hoạch trung ương nước này) vừa đảm trách quyết định ai được phép đầu tư vào cường quốc châu Á này dựa vào một loạt tiêu chí an ninh quốc gia.
Bắc Kinh coi các động thái mới nhất của Mỹ cấm cửa hãng công nghệ Huawei là phân biệt đối xử. Giới chức nước này có thể sẽ gây khó khăn hơn cho các công ty Mỹ trong việc xin giấy phép hoạt động ở Trung Quốc, tuyên truyền việc mua các sản phẩm Mỹ là không yêu nước, đồng thời lưu giữ hàng hóa ở các cảng và hải quan.
Trung Quốc liên tục khẳng định không muốn chiến tranh – và đang bị Mỹ dồn vào chân tường. Thực tế, nếu đi sâu vào gói 60 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ mà Bắc Kinh vừa áp thuế trong tuần này để trả đũa thì sẽ thấy quy mô của việc tăng thuế nhỏ hơn so với những gì được báo cáo, theo Vinesh Motwani thuộc Viện nghiên cứu Silk Road.
Hồi tháng 12, Trung Quốc tạm hoãn trả đũa thuế lên ôtô cùng các linh kiện, và điều này hiện vẫn chưa thay đổi. Các nhà phân tích nhận định đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn thể hiện một niềm tin tốt đẹp nào đó trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Nhật Bản trong tháng 6.
Nhưng nếu cuộc gặp tháng 6 không suôn sẻ thì Trung Quốc sẽ vẫn còn chỗ để giáng tiếp các đòn trả đũa trong tương lai.
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)