Hôm 15/5, Nhà Trắng mở hai mũi tấn công trên mặt trận thương mại chống Trung Quốc. Đầu tiên là cấm các công ty bị coi là mối đe dọa an ninh bán thiết bị cho Mỹ. Thứ hai là đe dọa chặn không cho Huawei Technologies mua các thiết bị thiết yếu từ Mỹ.
Theo Bloomberg, nhiều chuyên gia công nghệ và thương mại nhận định nếu được thực hiện nghiêm chỉnh, hai chính sách này có thể đánh sập Huawei - công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, gây nhiều khó khăn cho các hãng sản xuất chip lớn của Mỹ như Qualcomm và Micron Technology, đồng thời làm gián đoạn quá trình triển khai mạng 5G khắp thế giới.
“Chính quyền Tổng thống Trump đã leo thang (tấn công thương mại Trung Quốc) nghiêm trọng”, ba nhà phân tích Paul Triolo, Michael Hirson và Jeffrey Wright của Eurasia Group bình luận.
“Nếu được thực hiện đầy đủ, các chính sách này sẽ đe dọa cả Huawei và mạng lưới khách hàng toàn cầu của hãng. Công ty Trung Quốc sẽ không thể nâng cấp phần mềm và bảo trì, thay thế phần cứng cho khách hàng khắp thế giới”, họ cho biết. Ba chuyên gia mô tả đây là "bom hạt nhân" mà chính quyền ông Trump sử dụng trong chiến tranh thương mại chống Trung Quốc.
Lời đe dọa của ông Trump cũng khiến giới quan sát lo ngại nguy cơ chiến lược “kiềm chế Trung Quốc” của ông chủ Nhà Trắng sẽ dẫn lời một cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Huawei hãy yên nghỉ”
Bên cạnh cuộc giao tranh thương mại đã khiến thị trường toàn cầu rúng động trong nhiều tháng qua, Mỹ vẫn đang tiếp tục gây sức ép buộc cả các nước đồng minh và đối thủ không sử dụng mạng 5G của Huawei, hạ tầng có thể trở thành xương sống của nền kinh tế hiện đại.
“Hãy yên nghỉ, mạng 5G của Huawei. Cảm ơn vì đã tham gia sân chơi”, Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton, một thành viên Đảng Cộng hòa ở Arkansas, viết trên Twitter.
Có vẻ như cổ phiếu của các nhà cung cấp thiết bị Mỹ cho Huawei như Lumentum Holdings và Qualcomm sẽ giảm giá trên sàn giao dịch Mỹ. Trước đó, giá cổ phiếu các nhà cung cấp của Huawei tại châu Á như Sunny Optical Technology Group và AAC Technologies Holdings Inc. đều sụt tới 5% vào ngày 16/5.
Tại châu Âu, cổ phiếu của STMicroelectronics NV (Pháp) cũng lao dốc, trong khi đối thủ của Huawei là Nokia Oyj tăng 2%. Huawei từng tiết lộ dành tới 1/3 ngân sách - tương đương 11 tỷ USD - hàng năm để nhập thiết bị từ Mỹ. Có tới 33 công ty Mỹ nằm trong danh sách 92 nhà cung cấp đầu vào lớn nhất của Huawei.
“Tác động tiêu cực đối với thị trường 5G toàn cầu sẽ rất đáng kể”, Bloomberg dẫn lời ông Charlie Dai, nhà phân tích của Forrester Research (trụ sở tại Bắc Kinh). Bởi ở thời điểm hiện tại, Huawei là là hãng phát triển hạ tầng 5G hàng đầu thế giới.
“Nokia và Cisco có thể phần nào lấp vào khoảng trống Huawei để lại, nhưng nhìn chung sự phát triển của mạng 5G toàn cầu sẽ chậm lại và cuối cùng các nhà mạng và người tiêu dùng thế giới sẽ hứng chịu hậu quả”, ông Dai nhấn mạnh.
Hôm 15/5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ sớm đưa Huawei vào danh sách “các công ty bị hạn chế”. Điều đó có nghĩa là các công ty Mỹ sẽ phải xin một loại giấy phép đặc biệt trước khi bán thiết bị cho tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc.
Phần lớn nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới đều là công ty Mỹ. Do đó, động thái của Mỹ sẽ bóp nghẹt hoạt động của Huawei, từ triển khai các trạm 5G cho đến sản xuất điện thoại thông minh.
Có thể bị cấm dùng hệ điều hành Android
Thậm chí, Huawei có thể bị cấm sử dụng hệ điều hành Android trên các thiết bị thông minh của hãng. Trên thực tế, hồi năm ngoái chính quyền Mỹ cũng tung cú đòn tương tự nhắm vào ZTE Corp, khiến hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc khốn đốn.
“Nước cờ của Mỹ có thể khiến Huawei sụp đổ”, ông Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định. “Không thể đánh giá thấp ý nghĩa của chính sách này. Huawei là công ty quan trọng nhất của Trung Quốc. Đe dọa nó sẽ buộc chính quyền Trung Quốc phản ứng quyết liệt. Đàm phán song phương có thể đổ vỡ hoàn toàn”.
Mỹ nghi ngờ Huawei hỗ trợ các hoạt động gián điệp của chính quyền Trung Quốc. Bộ Tư pháp Mỹ cũng cáo buộc Huawei cố tình vi phạm lệnh cấm vận Iran và đứng sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính Huawei. Bà Mạnh là con gái của ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei.
Huawei bác bỏ các cáo buộc trên và tuyên bố sẵn sàng hợp tác với phía chính phủ Mỹ. “Ngăn chặn chúng tôi kinh doanh sẽ chỉ buộc Mỹ phải lựa chọn các sản phẩm thay thế đắt đỏ nhưng kém chất lượng”, người đại diện Huawei nhấn mạnh. Trong khi đó, Bắc Kinh cho biết sẽ “làm tất cả những gì cần thiết” để bảo vệ các công ty Trung Quốc.
Dù vậy, việc thiếu nhà cung cấp thay thế có thể cản trở chính phủ Mỹ thực hiện nghiêm túc các biện pháp bóp nghẹt Huawei. Nếu chính quyền ông Trung quyết diệt Huawei, các quốc gia và hãng viễn thông khắp thế giới đã chi hàng tỷ USD để xây mạng 5G sẽ phải mua thiết bị đắt đỏ hơn của Nokia Oyj và Ericsson AB.
Việc mạng 5G bị triển khai chậm trễ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các dịch vụ tương lai như xe tự hành, nhà thông minh, y tế bậc cao… Các tập đoàn lớn của Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Trump đã gây sức ép buộc nhiều quốc gia đồng minh cấm cửa Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông vì quan ngại an ninh. Tuy nhiên nỗ lực của Washington tỏ ra không hiệu quả.
Ngay cả đồng minh thân cận của Mỹ là Anh cũng từ chối tham gia chiến dịch tẩy chay Huawei. Giới quan sát cho biết ngoài vấn đề chi phí, có một thực tế là công nghệ 5G của công ty có trụ sở tại Thâm Quyến được đánh giá là vượt trội so với các đối thủ.
Vòng kim cô trên đầu công ty Trung Quốc
Nếu ông Trump quyết diệt Huawei, số phận của tập đoàn này có lẽ sẽ không khác gì ZTE. Năm 2017, công ty này chọc giận Bộ Tư pháp Mỹ khi vi phạm lệnh cấm vận Iran. Washington ra lệnh cấm ZTE mua bán thiết bị với các doanh nghiệp Mỹ, và hậu quả là ZTE trượt tới bờ vực của sự sụp đổ trước khi ông Trump can thiệp khi Mỹ và Trung Quốc đàm phán thương mại.
Huawei đã lường trước nguy cơ này, do đó đã phát triển và thiết kế chip riêng trong nhiều năm qua. Các chip này đều đã được sử dụng trên thiết bị thông minh của hãng. Thậm chí, có tin đồn Huawei đang nghiên cứu hệ điều hành riêng cho điện thoại và máy chủ của hãng.
Tuy nhiên Huawei vẫn còn phụ thuộc rất nặng nề vào công nghệ Mỹ, giống như ZTE. Các trạm cơ sở, điện thoại thông minh, máy chủ và cáp dưới biển của Huawei không thể vận hành khi không có chip và bộ xử lý của Qualcomm.
Huawei có thể mua thiết bị từ các nhà cung cấp khác, nhưng danh sách đó cũng gồm toàn công ty Mỹ như Intel Corp, Micron và Broadcom Corp. Ngoài ra, Huawei phải mua hàng từ một số công ty Mỹ nhỏ hơn như Lumentum Holdings Inc., Amphenol, Inphi Corp, Qorvo Inc. và Analog Devices Inc.
Chuyên gia Roger Sheng của công ty nghiên cứu thị trường Gartner Inc. mô tả chính quyền Trump đã úp “vòng kim cô của Tôn Ngộ Không” lên đầu Huawei. “Không có các nhà cung cấp Mỹ, Huawei sẽ chết”, ông nhấn mạnh.
Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ chính phủ Mỹ có quyết cấm cửa Huawei hay không khi mà cú đòn này dù làm tổn thương nghiêm trọng đối thủ nhưng cũng khiến chính lợi ích Mỹ bị ảnh hưởng đáng kể.
Các nhà quan sát của Eurasia Group cho rằng chính quyền ông Trump có thể sẽ cấp giấy phép xuất khẩu cho các công ty Mỹ, nhưng sẵn sàng rút hết khi cần.
Theo Nguyễn Bình (Tri Thức Trực Tuyến)