Thay đổi phút chót của ông Tập khiến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đổ bể

17/05/2019 20:57:31

Trung Quốc đánh giá sai rằng Trump rất muốn đạt được thỏa thuận thương mại nên có thể chấp nhận những thay đổi vào phút chót họ đưa ra.

Thay đổi phút chót của ông Tập khiến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đổ bể
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Bắc Kinh ngày 15/5.

Ba tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẻ tự tin rằng cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm với Mỹ có thể sớm lắng xuống, mang lại cho ông thắng lợi chính trị lớn.

Ông nói trong một bài phát biểu rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ sở hữu trí tuệ, khuyến khích đầu tư nước ngoài, mua thêm hàng hóa và dịch vụ nước ngoài - những thay đổi mà Mỹ yêu cầu khi hai nước đàm phán để cố gắng đưa ra thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.

Tuy nhiên, ngày 1/5, khi các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với đội ngũ của ông Trump sắp ngã ngũ, ông Tập đột ngột yêu cầu viết lại phần lớn dự thảo thỏa thuận. Trung Quốc xóa đi các cam kết của nước này về việc thay đổi luật pháp, vốn là mấu chốt để giải quyết các phàn nàn khiến Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại.

Quyết định này đã xua đi hy vọng phá vỡ thế bế tắc giữa hai nước. Trump nổi giận, nói rằng Bắc Kinh xóa bỏ những điều hai bên đã thống nhất và quyết định nâng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế với 60 tỷ USD hàng Mỹ.

Theo Christopher K. Johnson, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, ông Tập đã đánh giá sai rằng ông Trump mong muốn đạt được thỏa thuận đến mức các nhà đàm phán Mỹ có thể chấp nhận những thay đổi vào phút chót của Trung Quốc.

Ông Tập phải chú ý đến phản ứng trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc và dư luận trong nước đối với các quyết định thương mại. Các chuyên gia cho rằng ông có thể đã kết luận những yêu cầu sửa luật mà Mỹ đưa ra sẽ khiến Trung Quốc mất thể diện. Bất cứ điều gì có thể bị coi là nhượng bộ trước áp lực của Mỹ đều đi ngược lại với hình ảnh mạnh mẽ mà ông Tập luôn thể hiện.

"Trung Quốc cảm thấy họ không cần phải nhượng bộ", Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, nói.

Một số người cho rằng Trung Quốc đưa ra quyết định muộn như vậy vì các lãnh đạo nước này đến lúc đó mới xem xét bản dịch tiếng Trung đầy đủ của dự thảo thỏa thuận. Quá trình đàm phán trước đó giữa phái đoàn hai nước được tiến hành bằng tiếng Anh. 

"Khi dịch một thỏa thuận thành văn bản chính thức, có những chi tiết có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau", Tao Jingzhou, luật sư ở Bắc Kinh, nói. "Lối suy nghĩ rằng Trump rất muốn đạt được thỏa thuận để thị trường chứng khoán tăng điểm có thể đã khiến Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể ép được Mỹ nhượng bộ".

Chính quyền Trump yêu cầu Bắc Kinh có biện pháp mạnh mẽ hơn với hành vi vi phạm bằng sáng chế nước ngoài và quy định nghiêm khắc hơn để ngăn chặn việc ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ quan trọng cho doanh nghiệp Trung Quốc. Washington cũng muốn Bắc Kinh thay đổi luật an ninh mạng. Những thay đổi này sẽ cần sự thông qua của quốc hội Trung Quốc.

"Những điều kiện mà Mỹ nêu ra là cực kỳ khó chấp nhận, ít nhất là từ quan điểm chính trị", Cui Liru, cựu chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nhận xét. "Việc đó chẳng khác nào yêu cầu Trung Quốc thay đổi hệ thống chính trị".

Trong khi đó, Trung Quốc cũng có một yêu cầu mà Mỹ khó chấp nhận là loại bỏ tất cả mức thuế mới với nước này. Mỹ đã áp thuế 25% với 50 tỷ USD với những mặt hàng Trung Quốc được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia, như bộ phận lò phản ứng hạt nhân được sử dụng bởi hải quân Mỹ. Nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đều không muốn loại bỏ mức thuế này.

Sau khi cuộc đàm phán đổ bể và ông Trump áp mức thuế mới với hàng hóa Trung Quốc, Phó thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc, dường như không biết nên phản ứng gay gắt hay mềm mỏng.

Nói chuyện với các nhà báo Trung Quốc tại Washington, ông Lưu nhấn mạnh rằng các nguyên tắc của Bắc Kinh cần phải được tôn trọng. Tuy nhiên, ông Lưu lại nói rằng khác biệt Mỹ - Trung không đáng kể và không có gì bất thường.

"Tôi nghĩ rằng đây là những điểm phức tạp nhỏ, điều bình thường trong các cuộc đàm phán song phương", ông Lưu nói và bày tỏ lạc quan về tương lai.

Trong khi đó, các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc liên tục chỉ trích Mỹ. Trong tuần này, họ gọi Mỹ là "kẻ bắt nạt" hay "con hổ giấy". "Nếu bất cứ ai coi Trung Quốc là con mồi hay quả hồng mềm dễ bị chèn ép, thì tâm trí của họ đang mắc kẹt ở thế kỷ 19 và họ đang tự huyễn hoặc mình", một bài xã luận trên Xinhua có đoạn viết.

Luật sư Tao đánh giá các lãnh đạo Trung Quốc có nguy cơ khiến căng thẳng với Mỹ tiếp tục kéo dài khi bảo vệ các quyết định của họ bằng ngôn từ gay gắt, mang tính chủ nghĩa dân tộc, khiến hai bên khó thỏa hiệp.

Trung Quốc dường như vẫn chừa đường lui. Các bài xã luận thường tránh công kích cá nhân ông Trump. Ông Tập cũng chưa công khai bình luận về những căng thẳng thương mại.

Ông Trump hồi đầu tuần cho biết ông sẽ gặp ông Tập trong cuộc họp G20 tại Osaka, Nhật Bản vào tháng tới. Cuộc gặp đó có thể mở đường cho nhiều cuộc thảo luận hơn.

Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận vẫn là triển vọng khó khăn nếu hai bên vẫn kiên quyết giữ các yêu cầu với đối phương. "Trung Quốc khó có thể nhượng bộ hoặc đầu hàng trước các áp lực", Wang Yong, giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nói. "Họ chắc chắn phải để ý đến dư luận trong nước".

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)

Nổi bật