Cờ hoa, quân nhạc và cái nắm tay nồng thắm tan băng quan hệ liên Triều
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây sức ép với các phụ tá và đồng minh về việc liệu có nên tiếp tục liều lĩnh xúc tiến cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên hay không.
Điều này xuất phát từ việc ông ngày càng lo lắng cuộc gặp dự kiến tại Singapore tháng tới sẽ thất bại muối mặt, theo các quan chức chính quyền Trump và nước ngoài.
Bất ngờ và tức giận
Ông Trump đã bất ngờ lẫn tức giận trước tuyên bố của quan chức phụ trách đàm phán về hạt nhân của Triều Tiên hôm 16/5 rằng nước này sẽ không bao giờ từ bỏ năng lực hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế. Dù là tuyên bố quen thuộc từ Bình Nhưỡng, những lời này đánh dấu sự thay đổi bất ngờ về giọng điệu của Triều Tiên sau nhiều tuần với các cử chỉ mang tính hòa giải.
Hôm 17 và 18/5, ông Trump liên tục hỏi các phụ tá về việc liệu có nên tiếp tục xúc tiến cuộc gặp với Kim Jong Un. Tối 19/5, tổng thống Mỹ gọi điện cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In để hỏi tại sao tuyên bố công khai của Bình Nhưỡng dường như mâu thuẫn với những đảm bảo mà ông Moon truyền đạt lại với ông Trump sau khi gặp nhà lãnh đạo Kim cuối tháng 4.
Cuộc điện đàm với ông Moon diễn ra ba ngày trước khi nhà lãnh đạo của Hàn Quốc đến Washington để gặp ông Trump vào ngày 22/5. Một số quan chức đoán đây là dấu hiệu cho thấy sự khó chịu của ông Trump và ông không thể đợi đến khi gặp ông Moon để thảo luận về vấn đề, dù chưa có chỉ dấu nào cho thấy tổng thống Mỹ đang cân nhắc từ bỏ cuộc gặp thượng đỉnh.
Các phụ tá của ông Trump ngày càng lo lắng rằng vị tổng thống, người từng nói "mọi người đều nghĩ" ông xứng đáng với giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của mình, đã thể hiện rằng ông quá mong muốn thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra.
Các phụ tá cũng lo rằng ông Kim Jong Un, cảm nhận được sự nóng lòng của ông Trump, sẵn sàng đưa ra những lời hứa sẽ phai mờ theo thời gian.
Hơn nữa, quyết định của ông Trump về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng đặt ra thách thức cho thượng đỉnh Mỹ - Triều. Nếu ông đạt được bất cứ thỏa thuận nào ít hơn những gì người tiền nhiệm Barack Obama đạt được, trong trường hợp này là chuyển 97% nguyên liệu hạt nhân ra khỏi Iran, ông sẽ khó thuyết phục tất cả tin rằng cuộc hòa đàm thành công, trừ những người ủng hộ ông.
Các phụ tá cũng không rõ liệu ông Trump đã "nắm thóp" được những gì cụ thể về chương trình vũ khí của Triều Tiên, hay ông phải kiên quyết yêu cầu điều gì là yếu tố then chốt trong quá trình phi hạt nhân hóa.
Ông Moon và cấp dưới cho hay ông Kim dường như hiểu rất cặn kẽ về mọi yếu tố thuộc chương trình vũ khí khi hai người gặp nhau, và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng có bình luận tương tự về nhà lãnh đạo Triều Tiên, dựa trên hai lần tiếp xúc với ông Kim ở Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, các phụ tá mới rời khỏi chính quyền gần đây nói ông Trump đã từ chối tham dự các buổi báo cáo về năng lực làm giàu hạt nhân, tái xử lý plutoni, các chương trình sản xuất vũ khí và tên lửa mà ông Obama cũng như cựu tổng thống George W. Bush thường hay tham dự.
Kỳ vọng "phi thực tế"
Việc đối phó với Triều Tiên trên bàn đàm phán là chuyện hoàn toàn mới không chỉ với ông Trump mà còn với tất cả những quan chức cấp cao của chính quyền. Các quan chức Hàn Quốc nói rằng John R. Bolton, cố vấn an ninh quốc gia mới của tổng thống Mỹ, gần như ngày nào cũng liên lạc với đồng cấp ở Seoul để bàn về chiến lược.
Ông Bolton thể hiện rõ quan điểm rằng tổng thống Mỹ nên tận dụng cuộc gặp tại Singapore để tuyên bố Triều Tiên phải từ bỏ toàn bộ kho vũ khí và cơ sở hạt nhân trước khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Seoul đã và đang thúc đẩy cách tiếp cận truyền thống hơn trong việc xây dựng lòng tin, theo đó những nhượng bộ của Bình Nhưỡng sẽ dẫn đến việc gỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt. Song ông Trump từng nói sẽ không sử dụng cách thức đó, vì cách này đã dẫn đến thất bại của 4 người tiền nhiệm trong vấn đề Triều Tiên.
Đến nay, các quan chức chính quyền vẫn nói họ kỳ vọng ông Kim sẽ đồng ý phi hạt nhân hóa tại hội nghị ở Singapore và sẽ thiết lập lịch trình tiến hành việc này trong vòng 6 tháng sau đó, bao gồm bàn giao một số lượng vũ khí hạt nhân, đóng cửa các cơ sở sản xuất và cho phép thanh sát viên đến Triều Tiên.
Những người từng tham gia xử lý vấn đề Triều Tiên phần lớn đều quả quyết rằng kỳ vọng đó sẽ phải giảm xuống nếu ông Trump muốn có được thành công.
"Nếu ông Trump thực sự mong chờ một cuộc bàn giao vũ khí hạt nhân trong 6 tháng mà không có gì đổi lại, đó là điều phi thực tế", Joseph Yun, cựu điều phối viên về Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét. Ông dự đoán rằng Tổng thống Trump sẽ buộc phải thực hiện biện pháp từng bước mà những người tiền nhiệm từng hướng đến, "bởi vì không có cách nào khác cả".
Ngoại trưởng Pompeo nói trên ABC News hồi tháng trước: "Chính quyền hiện tại nhìn rộng hơn. Chúng tôi biết lịch sử. Chúng tôi biết những nguy cơ". Ông nói cách thức duy nhất để thành công sẽ là "phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, không thể đảo ngược và có thể xác thực", cụm từ được sử dụng lần đầu tiên dưới thời Bush và đã cho thấy đây là chuyện không thể đạt được.
Các nhà phân tích tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nơi ông Pompeo từng là lãnh đạo trước khi trở thành ngoại trưởng, đã cảnh báo trong nhiều năm rằng họ không tin ông Kim sẽ từ bỏ năng lực hạt nhân, bất kể Mỹ và đồng minh có đưa ra những đề nghị thế nào.
Song họ cũng nói có khả năng ông Kim sẽ tạm dừng việc thử nghiệm và từ bỏ một phần chương trình vũ khí, miễn là chúng có thể được tái xây dựng một cách nhanh chóng, nếu ông có thể yêu cầu Mỹ rút quân khỏi khu vực.
"Tấm gương" Libya
Ông Bolton nhiều lần viện dẫn trường hợp Libya, nước bàn giao tất cả các thiết bị liên quan đến hạt nhân vào năm 2003, như là tấm gương về phi hạt nhân hóa. Libya được hứa hẹn về hội nhập kinh tế với phương Tây, song rất ít cam kết trong số này trở thành hiện thực.
Năm 2011, lãnh đạo của Libya Muammar el-Qaddafi bị lật đổ. Người ta lôi ông ra từ một con mương và giết chết ông. Người Triều Tiên hiểu rõ điều đó và phần lớn nội dung trong tuyên bố được đưa ra tuần trước là lên án ông Bolton, đồng thời khẳng định không bao giờ khom mình trước "các siêu cường" và đi đến một thỏa thuận tương tự.
Thế nhưng khi các phóng viên hỏi ông Trump về Libya, ông đã cố phủ nhận quan điểm ông Bolton và giải thích sai về tầm quan trọng của việc từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế.
"Mô hình Libya không phải là mô hình mà chúng tôi có khi nghĩ về Triều Tiên", ông Trump nói. "Nếu bạn nhìn vào mô hình với Qaddafi, đó hoàn toàn là một cuộc tàn sát. Chúng tôi đến đó để đánh bại ông ta". Chuyện ông Trump đề cập là phương Tây can thiệp quân sự tại Libya vào năm 2011, không phải chuyện giải trừ hạt nhân đến 8 năm trước đó.
"Giờ đây mô hình đó sẽ diễn ra nếu chúng ta không đạt được một thỏa thuận, rất có thể", ông Trump nói, dường như lặp lại chính xác mối đe dọa mà Triều Tiên đã cảnh báo. “Nhưng nếu chúng ta đạt được một thỏa thuận, tôi nghĩ Kim Jong Un sẽ rất, rất vui vẻ".
Ông Trump có thể đúng: Ông Kim có lẽ còn nhiều thập kỷ phía trước trong vai trò lãnh đạo của Triều Tiên và có nhiều thứ để thu về từ nền kinh tế được cải thiện. Tuy nhiên, ông sẽ không đặt cược toàn bộ đất nước của mình vào bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào, và hầu hết phân tích tình báo trong những năm gần đây đều nghi ngờ rằng ông, hay tầng lớp lãnh đạo của Triều Tiên, sẵn sàng từ bỏ sự bảo đảm mà vũ khí hạt nhân mang lại.
Michael Green, giáo sư tại Đại học Georgetown và là chuyên gia hàng đầu về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), viết trên tạp chí Foreign Affairs rằng ông Kim đang tìm kiếm thứ gì đó lớn hơn thứ ông Trump tìm kiếm.
"Trump có thể đang chuẩn bị cho một ván cờ sai lầm: ván cờ hai người chơi, trong khi Kim đang dồn sức cho một ván cờ gồm hai bàn cờ và nhiều người chơi", ông viết.
“Trên một bàn cờ sẽ là tương lai các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, điều mà Trump muốn đàm phán. Bàn cờ còn lại sẽ là những gì mà Kim và những người chơi khác biết cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng: tương lai địa chính trị ở Đông Bắc Á".
Ông Kim xem mình là một người chơi trong ván cờ còn kéo dài rất lâu sau khi chính quyền Trump kết thúc.
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)