Còn nhớ vào ngày 23/1/2020, Vũ Hán chính thức phong tỏa thành phố sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại đây. Nhìn lại một hai tuần đầu tiên, khi thành phố bước vào đợt đóng cửa chưa từng có, người dân đã phải vật lộn với cảm giác bất lực giữa sự hỗn loạn, vì đây là nơi đầu tiên bị đại dịch tấn công và mọi người vẫn chưa thể chuẩn bị đầy đủ để đối phó.
Wang Wei, một nhân viên xã hội ở Vũ Hán nói với Global Times, cô đã kiệt sức trong những ngày đầu khi phải giải quyết nhiều công việc như kiểm tra tình hình sức khỏe người dân, mua hộ và chuyển thực phẩm, nhu yếu phẩm hằng ngày, sắp xếp phương tiện đưa đón người cao tuổi trong cộng đồng đi bệnh viện,...
Trong đó, việc phân phối lương thực thực phẩm để có thể bảo đảm an sinh cho người dân Vũ Hán trong giai đoạn phong tỏa là một trong những vấn đề được thành phố quan tâm hàng đầu.
Bị cấm rời khỏi khu vực lân cận, một số người dân Vũ Hán chỉ có thể mua đồ ăn theo nhóm đặt hàng tạp hóa với hàng xóm thông qua các ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc như WeChat, để họ có thể nhận thức ăn tại nhà, AFP đưa tin.
Tháng Giêng năm ngoái, thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân đã hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài, chính phủ chỉ cho phép người dân ra khỏi nhà 3 ngày 1 lần, khiến người dân phải tích trữ lương thực hoặc dựa vào các tình nguyện viên cộng đồng để giao lương thực đến nhà họ.
Tuy nhiên, trước biện pháp siết chặt phong tỏa, nhu cầu người dân đối với dịch vụ giao đồ ăn ngày càng tăng. Đối với một số người, việc tổ chức mua hàng theo nhóm là cách duy nhất để họ có được nhiều thức ăn hơn.
Trước tình hình này, các siêu thị và cửa hàng tạp hóa đã thiết lập dịch vụ mua hàng theo nhóm chat trên ứng dụng WeChat để mua một số mặt hàng như thịt, rau và sữa. Đối với các cửa hàng thực phẩm lớn hơn thì sẽ thiết lập ứng dụng trong WeChat để người dân Vũ Hán đặt đồ ăn trực tiếp, không cần thông qua nhóm chat.
Guo Jing đã nói với AFP, đặt hàng theo nhóm là cách duy nhất để cô ấy có được thức ăn trong lúc này mà không cần phải ra khỏi nhà. Trong khu phố của cô có combo gồm 5 loại rau, khoai tây, bắp cải non, có giá 50 tệ (hơn 176 nghìn đồng). “Bạn không thể chọn lựa gì cả, bạn không thể có sở thích cá nhân trong giai đoạn này", cô Guo Jing nói.
Một số quận, huyện thậm chí bắt đầu điều chỉnh các dịch vụ giao hàng theo nhóm. Việc siết chặt an toàn giãn cách buộc các siêu thị không được bán hàng cho cá nhân, nên chỉ có thể giao hàng theo đơn hàng nhóm, thế nhưng một số người dân vẫn phàn nàn về chất lượng cũng như giá cả của các sản phẩm được giao.
Trước nhu cầu tăng vọt này, chính phủ cũng đã sắp xếp và tìm cách để thực phẩm có thể đến nhà người dân một cách nhanh nhất. Thời điểm đó, một quan chức Bắc Kinh tiết lộ rằng, có khoảng 20.000 shipper phải xử lý trung bình hơn 400.000 đơn đặt hàng mỗi ngày từ các nền tảng giao hàng như Meituan. Đương nhiên, những shipper này được bảo đảm biện pháp phòng chống dịch an toàn, có đeo khẩu trang và tiến hành kiểm tra nhiệt độ hằng ngày.
Những ứng dụng giao hàng như Meituan, Hema, Dada đã công bố tính năng trong ứng dụng của mình để giao hàng không tiếp xúc, cho phép shipper đặt hàng ở một vị trí thuận tiện để khách hàng đến nhận mà không cần tương tác.
Trong khi những người ở nhà đều sẽ nhanh chóng lấy hàng, thì nhỡ như có khách hàng đang ngủ hoặc không hiểu chính sách, không sẵn sàng nhận hàng, thì shipper vẫn sẽ tiếp tục liên lạc với họ cho bằng được và quay lại giao hàng.
Các nhà phân tích cho biết các nhà cung cấp thương mại điện tử đã tận dụng cơ hội này để thể hiện thiện chí và cải thiện mối quan hệ của họ với khách hàng cũng như đối tác.
Sofya Bakhta, nhà phân tích chiến lược tiếp thị tại Công ty tư vấn Daxue có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết lĩnh vực giao hàng thực phẩm đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc giảm tiếp xúc trong thời gian bùng phát dịch bệnh.
Bên cạnh sự đóng góp và nỗ lực các shipper, thì trong thời gian thành phố bị phong tỏa, những tình nguyện viên cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày, giúp chính phủ phòng chống dịch.
Theo chính quyền địa phương, cứ 7 người dân thì có 1 người sẽ làm tình nguyện viên, với tổng số là 1,81 triệu người đăng ký trên hệ thống dịch vụ tình nguyện. Trong số đó, có ít nhất 23.000 người trẻ thuộc thế hệ gen Y (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) đã tham gia vào hơn 500 chương trình trên toàn thành phố.
Họ tham gia xây dựng bệnh viện dã chiến, nơi cách ly, cung cấp viện trợ y tế, đảm bảo nguồn cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày, giúp đỡ 105 siêu thị trên toàn thành phố đóng gói sản phẩm và chuyển đến các hộ gia đình mỗi ngày.
Nhìn chung, Trung Quốc có thể duy trì sự ổn định trong chuỗi cung ứng thực phẩm là vì đã xây dựng mạng lưới giao hàng tận nhà phát triển. Bên cạnh đó, việc cởi mở với cuộc sống kỹ thuật số trong thời đại ngày nay cũng đóng vai trò tác động không nhỏ.
Mark Greeven, giáo sư về đổi mới và chiến lược tại Trường Kinh doanh IMD ở Lausanne, Thụy Sĩ, cho biết: “Cho dù đó là giao hàng hóa, bưu kiện hàng không hay thực phẩm tươi sống, thậm chí là thuốc hoặc vật liệu dùng trong y tế, Trung Quốc có một hệ thống phát triển rất tốt. Phát triển tốt hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”.
Theo Global Times, việc huy động từ trên xuống, do chính phủ lãnh đạo và có sự tham gia của các tổ chức xã hội và người dân, là chìa khóa thành công của việc quản lý dân cư khép kín, vốn là phương thức chống dịch trong những ngày đầu đại dịch bùng phát ở thành phố này.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đã bắt đầu chấp nhận cuộc sống hàng ngày chủ yếu dựa vào công nghệ kỹ thuật số từ rất lâu trước khi đại dịch bùng phát cũng là một trong những yếu tố giúp họ vượt qua đại dịch này.
Theo Tiểu Lương (Pháp Luật & Bạn Đọc)