Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ 5 (12/8) vừa có phản hồi trước lo ngại của Trung Quốc về cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, trong bối cảnh vấn đề này tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi giữa Trung Quốc và phương Tây.
Cụ thể, trong thông cáo được đăng tải trên website chính thức, WHO khẳng định rằng tổ chức này không hề chơi trò chơi chính trị, mà mục đích của họ là tìm kiếm các dữ liệu cần thiết và tuân thủ khoa học.
WHO KHẲNG ĐỊNH KHÔNG CHƠI TRÒ CHƠI CHÍNH TRỊ
WHO đã kêu gọi chính phủ tất cả các nước "phi chính trị hóa tình hình và cùng hợp tác để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu về nguồn gốc của đại dịch, và quan trọng hơn là các nước cần hợp tác cùng nhau để phát triển một khuôn khổ chung cho các mầm bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành đại dịch trong tương lai."
Theo WHO, việc truy tìm nguồn gốc của bất kỳ mầm bệnh mới nào "là một quá trình khó khăn, cần dựa trên cơ sở khoa học và cần sự phối hợp, cống hiến và thời gian của các nước". Đồng thời, tổ chức này cũng khẳng định rằng việc truy tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 "không phải và cũng không nên trở thành cái cớ để quy trách nhiệm hay đổ lỗi trong chính trị."
Điều quan trọng là chúng ta cần tìm ra cách thức đại dịch bùng phát để rút kinh nghiệm cho những tình huống virus lây truyền từ động vật sang người trong tương lai, WHO cho biết.
"Việc tiếp cận dữ liệu là điều cực kỳ quan trọng để nâng cao hiểu biết của chúng ta về khoa học và không nên bị chính trị hóa theo bất kỳ cách nào" - WHO nhấn mạnh sau khi có thông tin Trung Quốc từ chối cung cấp các dữ liệu thô liên quan đến những ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán.
Hồi tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh đã từ chối đề xuất của WHO về việc tiến hành giai đoạn 2 của cuộc điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc.
Ông Yuan Zhiming, giám đốc phòng thí nghiệm an toàn sinh học tại Viện Virus học Vũ Hán, nói rằng đè xuất của WHO là "đi ngược lại khoa học", và khẳng định WIV "chưa từng chế tạo hoặc làm rò rỉ loại virus corona chủng mới".
Trước những lo ngại của Trung Quốc, WHO nói rằng nghiên cứu ban đầu được tiến hành hồi tháng 3 vừa qua cho thấy "không có đủ bằng chứng khoa học để loại bỏ bất kỳ giả thuyết nào", do đó muốn hoàn toàn loại trừ giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, điều quan trọng là các điều tra viên cần được "cấp quyền truy cập vào tất cả dữ liệu, sử dụng khoa học và các cơ chế hiện hành của WHO."
WHO lưu ý rằng Italy đã chia sẻ dữ liệu thô và cấp quyền kiểm tra các mẫu bệnh phẩm của họ ở nước ngoài, và khen ngợi đây là "sự đoàn kết khoa học mẫu mực". Điều này "không khác so với những gì mà chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, hỗ trợ để chúng tôi có thể thúc đẩy các nghiên cứu về nguồn gốc của đại dịch một cách nhanh chóng và hiệu quả", WHO nói thêm.
Nga và Mỹ lưu giữ các mẫu bệnh phẩm đậu mùa - loại virus duy nhất ở người chưa từng bị diệt trừ - trong các phòng thí nghiệm an toàn, được kiểm tra hai năm một lần, theo WHO. Tổ chức này cũng nói thêm rằng "việc [phân tích] và cải thiện quy trình và mức độ an toàn trong tất cả các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, là điều quan trọng đối với an ninh và an toàn sinh học trên toàn cầu."
Trong khi đó, theo lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhenom Ghebreyesus, tổ chức này "cam kết tuân thủ khoa học và kêu gọi các nước gạt bỏ bất đồng, hợp tác cùng nhau để cung cấp tất cả dữ liệu và quyền truy cập cần thiết để các nghiên cứu tiếp theo được triển khai sớm nhất có thể".
Tuyên bố trên của WHO được đưa ra sau khi Tiến sĩ Peter Ben Embarek, trưởng phái đoàn điều tra của WHO từng đến Vũ Hán hồi tháng 3, gần đây đã xác nhận trên đài truyền hình Đan Mạch rằng "có khả năng" bệnh nhân số 0 là nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Cụ thể, bình luận về giả thiết virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể lây từ dơi sang người, Tiến sĩ Peter Ben Embarek cho biết bệnh nhân số 0 có thể là nhà khoa học hoặc nhân viên nghiên cứu về dơi tại phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.
"Một nhân viên bị nhiễm bệnh ngoài thực địa trong quá trình lấy mẫu là một trong các khả năng. Đó là khi virus nhảy từ dơi sang người. Trong trường hợp đó, khả năng có thể rơi vào một nhân viên phòng thí nghiệm hơn là một người dân làng ngẫu nhiên, hay một người thường xuyên tiếp xúc với dơi nào đó", ông Embarek nói.
Tuy nhiên, vị tiến sĩ này cũng bổ sung thêm rằng các chuyên gia của WHO đã không tìm thấy bằng chứng trực tiếp nào chứng minh cho giả thuyết này.
Tuyên bố mới nhất của ông Embarek có nhiều khác biệt so với kết luận trước đó của đoàn chuyên gia WHO được cử tới Vũ Hán, trong đó nói rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra"./.
Theo Hồng Anh (Tổ Quốc)