Lượng thông tin khổng lồ này bao gồm bản mẫu di truyền lấy từ các mẫu virus được nghiên cứu ở phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán, nơi một số quan chức Mỹ nghi ngờ có thể là nguồn gốc đợt bùng phát Covid-19, CNN dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết.
Hiện chưa rõ các cơ quan tình báo Mỹ tiếp cận lượng thông tin nà như thế nào, tuy vậy các máy tính liên quan tới quá trình tạo và xử lý lượng dữ liệu di truyền của virus thường được kết nối với các máy chủ đám mây, khiến chúng có khả năng bị hack, theo các nguồn tin.
Tuy vậy, việc giải mã lượng dữ liệu thô khổng lồ này để có được những thông tin quan trọng là một thử thách rất lớn, chẳng hạn như làm thế nào để có đủ máy tính xử lý dữ liệu. Để làm được điều này, các cơ quan tình báo Mỹ dựa vào hệ thống siêu máy tính tại các phòng thí nghiệm quốc gia, gồm 17 viện nghiên cứu cấp cao của Bộ Năng lượng Mỹ.
Bên cạnh đó cũng có những vấn đề về nhân sự. Các cơ quan tình báo cần những nhà khoa học đủ trình độ hiểu được những dữ liệu giải mã bộ gene phức tạp, đồng thời đã trải qua điều tra thân thế kỹ lưỡng và thông thạo tiếng Trung Quốc, do những thông tin này hầu hết được viết bằng tiếng Trung.
Các quan chức tham gia cuộc điều tra 90 ngày hy vọng lượng thông tin này sẽ giải đáp câu hỏi virus đã lây lan từ động vật sang người như thế nào. Giải thích được điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình xác định Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm, hay đã lây lan từ động vật sang người, CNN dẫn các nguồn tin cho hay.
Các điều tra viên trong và ngoài chính phủ Mỹ từ lâu đã tìm kiếm dữ liệu gene của 20.000 mẫu virus được nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc). Theo CNN, những dữ liệu này bị xóa khỏi internet từ tháng 09/2019.
Trung Quốc sau đó từ chối cung cấp lượng dữ liệu kể trên, cũng như dữ liệu thô khác về những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên cho WHO và Mỹ. Vấn đề đặt ra cho các điều tra viên là liệu Viện Virus học Vũ Hán (WIV) hay các phòng thí nghiệm khác ở Trung Quốc có sở hữu những mẫu virus hoặc các thông tin khác có thể giúp họ điều tra quá trình tiến hóa của virus corona hay không.
CNN dẫn nguồn hai nhà khoa học nghiên cứu virus corona cho biết họ không cho rằng có sự tồn tại của những dữ liệu gene từ 22.000 mẫu virus nói trên hay từ bất kỳ cơ sở dữ liệu nào khác của WIV mà giới khoa học chưa được biết đến.
"Trong một nghiên cứu đăng tải trên tuần san Nature hồi năm 2020, WIV đã nói về tất cả những trình tự gene họ có tới một thời điểm nhất định, đó là những gì các nhà virus học tin tưởng, đó là tất cả những gì họ có," tiến sĩ Robert Garry, một nhà virus học thuộc Trường Y Đại học Tulane cho hay.
Nguồn tin thân cận với cuộc điều tra không xác nhận hay phủ nhận việc dữ liệu từ 22.000 mẫu virus có phải đang được cộng đồng tình báo Mỹ phân tích hay không.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)