Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan mới đây đã mạnh mẽ chỉ trích Mỹ và các đồng minh NATO khác khi đã ủng hộ các lực lượng dân quân người Kurd ở miền Bắc Syria mà Ankara coi là khủng bố, trong khi lại chỉ trích nước này mua vũ khí của Nga.
Ông Erdogan chỉ ra rằng, Mỹ và các đồng minh NATO khác đã ủng hộ và thậm chí cấp vũ khí miễn phí cho các lực lượng dân quân người Kurd ở Syria, bất kể việc Ankara gọi đó là lực lượng khủng bố. Ankara gọi đó là mối đe dọa cho quốc gia này.
"Chúng ta không mua nổi vũ khí Mỹ bằng số tiền của mình nhưng không may thay, lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu lại cấp các loại vũ khí, đạn dược miễn phí cho các tổ chức khủng bố ở Syria” - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thay vì hướng sự tấn công vào lực lượng khủng bố Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lại chỉ trích các mối đe dọa của họ hiện nay đến từ chính các đồng minh chiến lược. Nhắc tới cuộc chiến chống khủng bố mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria, Tổng thống Erdogan "hướng mũi dùi" vào các đồng minh của mình tại NATO đã ủng hộ lực lượng mà Ankara gọi là khủng bố đồng thời tiết lộ chính đồng minh đã "đâm sau lưng" mình bằng cách cấp vũ khí cho kẻ thù.
“Vậy mối đe dọa đến từ đâu? Nó chủ yếu đến từ các đối tác chiến lược" - ông Erdogan tiếp tục cho biết Mỹ đã gửi 5.000 xe tải chở vũ khí đến miền bắc Syria.
Ông Erdogan đồng thời nhắc lại những quan ngại mà ông đã bày tỏ trước đó khi chứng kiến các hoạt động quân sự của Mỹ hay Pháp khẳng định sẽ liên tục cung cấp binh sĩ và vũ khí đổ vào miền Bắc Syria.
Lời chỉ trích, gọi Mỹ và các đồng minh quân sự NATO là những "mối đe dọa" đã nâng dần mức độ phản ứng của ông Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn tiếp tục xúc tiến thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga bất chấp chỉ trích từ phương Tây. Điều này khiến Mỹ đã từng đề cập tới một khả năng trừng phạt đối với Ankara.
Tuy nhiên, phản ứng mạnh mẽ của Tổng thống Erdogan khi gọi thẳng Mỹ và đồng minh NATO là "mối đe dọa" lại khó có thể khiến căng thẳng gia tăng.
Đối với phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn giữ vai trò quan trọng trong khối liên minh quân sự bởi Ankara có địa thế chủ chốt như cửa ngõ vào châu Âu từ Trung Đông. Dòng người di cư đã đổ dồn vào "miền đất hứa" hưởng ứng lời tiếp nhận của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Song các giới chức châu Âu lại mâu thuẫn nhau khi cho rằng chính sự thiếu kiểm soát lượng người di cư đổ dồn vào châu Âu như vậy đã khiến xảy ra các cuộc tấn công khủng bố theo kiểu "con sói đơn độc" trên khắp châu Âu những năm gần đây.
Mối đe dọa an ninh khiến châu Âu cần "người gác cổng" mạnh mẽ hơn và Thổ Nhĩ Kỳ có được các lợi thế trong đàm phán từ đó. Vì vậy, muốn mạnh tay với Thổ Nhĩ Kỳ, 'các đồng minh chiến lược' châu Âu chắc chắn cũng phải đau đầu cân lên đặt xuống.
Theo Sơn Dương (Đất Việt)