Cuộc bầu cử này quan trọng và quyết định đối với tương lai của đất nước ở chỗ nó chính thức kết thúc thời kỳ quá độ chuyển sang hệ thống tập trung quyền hành pháp vào tổng thống. Nếu tái đắc cử, ông Erdogan không chỉ hợp pháp hóa gần như tất cả quyền hạn đã có trong thời gian qua mà còn có thể cầm quyền thêm nhiều nhiệm kỳ nữa. Về phương diện chính trị mà nói thì bước đi mới thể hiện rất rõ khả năng quyền biến đặc biệt của nhà lãnh đạo này. Mặt khác, EU sẽ chẳng thích thú, nếu như không nói là hậm hực nhưng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Trong nhìn nhận của EU, ông Erdogan “tiếm quyền bằng mọi giá” và bất chấp mọi tiêu chí của khối này.
Bước đi nói trên của ông Erdogan có thể nhận diện được. Vị tổng thống này lo ngại nguy cơ nếu không bầu cử sớm. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hiện tăng trưởng năng động và ấn tượng nhưng những biểu hiện tiêu cực đã lộ diện như đồng tiền mất giá, lạm phát và nợ công tăng... Chiến dịch quân sự ở Syria đã giúp chính phủ tăng uy tín với cử tri nhưng hiệu ứng không lâu bền, đó là chưa kể nguy cơ sa lầy. Ngoài ra, ông Erdogan còn tận dụng hiệu ứng của việc phe đối lập bị bất ngờ và không có nhiều thời gian để tập hợp lực lượng, thống nhất quan điểm và phối hợp hành động.
Theo Phạm Lữ (Thanh Niên Online)