Ông Charles Michel, thủ tướng Bỉ từ năm 2014, đã để mất sự ủng hộ của Flemish N-VA, đảng lớn nhất trong liên minh chính phủ của mình. N-VA là một đảng theo chủ nghĩa dân tộc có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư, theo Reuters.
Ông Michel đệ đơn từ chức sau khi có các cuộc biểu vào tuần trước nhằm phản đối việc thủ tướng Bỉ ủng hộ một thỏa thuận của Liên Hợp Quốc thúc đẩy giải quyết vấn đề liên quan đến 21 triệu người tị nạn trên thế giới.
Ngay sau khi mất đi sự ủng hộ của N-VA, nhà lãnh đạo 42 tuổi đã tìm kiếm sự hỗ trợ của các đảng cánh tả với hy vọng giữ quyền lực cho tới cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào tháng 5/2019.
Song cả đảng Xã hội và đảng Xanh đều cho biết họ muốn tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội với ông Michel, khiến thủ tướng Bỉ quyết định đệ đơn từ chức.
"Tôi phải tôn trọng tình huống hiện tại. Vì vậy tôi quyết định xin từ chức và sẽ đi gặp nhà vua", ông Michel phát biểu trước quốc hội về quyết định của mình.
Ông Charles Michel sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị và bắt đầu tham gia hoạt động từ năm 16 tuổi, đến khi 18 tuổi ông đã là thành viên của một hội đồng địa phương.
Hoàng gia Bỉ cho biết vua Philippe vẫn chưa đưa ra quyết định về đơn từ chức của Thủ tướng Michel. Nhà vua có thể đề nghị ông Michel tiếp tục điều hành chính phủ với quyền lực giới hạn nhưng điều đó sẽ ngăn cản các nỗ lực siết chặt ngân sách và cải cách an sinh xã hội.
Vua Philippe cũng có thể đối thoại với lãnh đạo của các đảng phái chính trị để tìm ra cách giải quyết tình hình hiện tại. Bên cạnh đó, nhà vua cũng có quyền giải tán quốc hội để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn trong vòng 40 ngày.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Bỉ diễn ra vào thời điểm tương đối nhạy cảm ở châu Âu, khi bảy quốc gia EU cùng Nghị viện châu Âu sẽ được bầu lại vào năm 2019.
EU đang chật vật với sự gia tăng của người nhập cư khi hơn 1 triệu người đã đến châu Âu kể từ năm 2015. Nhiều người trong số này chạy trốn cuộc chiến Syria và tình trạng nghèo đói ở châu Phi.
Mỹ và một số quốc gia khác, chủ yếu là những quốc gia Đông Âu bên cạnh Italy và Australia, đã phản đối thỏa thuận của LHQ, với tên gọi chính thức là "Thoả thuận Toàn cầu về Di cư Hợp pháp, An toàn và Trật tự" (viết tắt là GCM). Các nước này cho rằng thỏa thuận sẽ khuyến khích dòng người di cư, tạo thêm gánh nặng cho họ.
Thỏa thuận không ràng buộc của LHQ đưa ra 23 mục tiêu để tạo điều kiện di cư hợp pháp và quản lý tốt hơn các dòng di chuyển toàn cầu của 250 triệu người, chiếm 3% dân số thế giới.
Theo Quốc Thăng (Tri Thức Trực Tuyến)