Trước đó, hôm 24.3, ông Gentiloni đã đệ đơn từ chức ngay sau khi các nghị sĩ nước này đã bầu được các chủ tịch Thượng viện và Hạ viện. Phủ tổng thống dù chấp thuận đơn từ chức nhưng yêu cầu chính phủ ông Gentiloni tiếp tục đảm đương công việc cho đến khi thành lập được chính phủ mới.
Ông Gentiloni được Tổng thống Mattarella bổ nhiệm làm Thủ tướng hồi cuối 2016 sau khi người tiền nhiệm Matteo Renzi từ chức. Vốn xuất thân là Bộ trưởng ngoại giao, ông Gentiloni gặt hái được một số thành tích đối ngoại đáng kể khi làm Thủ tướng. Gentiloni trong vai trò Thủ tướng đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 43. Ông duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo các chính phủ của cả Anh, Pháp và Đức.
Nhưng trong vấn đề đối nội, ông Gentiloni không giải quyết được những vấn đề trong lòng nước Ý và cũng không tập hợp được sự ủng hộ từ các đảng phái trong nước. Cuối năm ngoái, sau một cuộc gặp với Thủ tuớng Gentiloni, Tổng thống Mattarella đã ra lệnh giải tán nghị viện để tiến hành bầu cử sớm theo luật định và vẫn giữ nguyên quyền lực của chính phủ.
Trong cuộc tổng tuyển cử ở Ý hôm 4.3 vừa qua, không có chính đảng hoặc liên minh nào giành được đa số phiếu cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ. Riêng liên minh trung tả của Gentiloni thất bại tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện khi để liên minh trung hữu chiếm số đông cả 2 viện. Do vậy, việc Gentiloni nộp đơn từ chức là điều dễ hiểu.
Dự kiến vào ngày 28.3, Tổng thống Mattarella sẽ bắt đầu tiến trình tham vấn với lãnh đạo các chính đảng chủ chốt về việc thành lập một chính phủ mới ở Ý. Nếu tiến trình này bị bế tắc, Tổng thống có thể lựa chọn một giải pháp ngắn hạn là thành lập một chính phủ chuyển tiếp với sự ủng hộ của tất cả các đảng và tiếp đó Ý phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới.
Theo A.T (Một Thế Giới)