Trong bài phỏng vấn được website của tuần san Aera đăng tải hôm 16/4, cựu thủ tướng Koizumi nói "tình hình đang ngày càng trở nên tệ hơn" với ông Shinzo Abe, người đang đối diện với mức ủng hộ thấp kỷ lục kể từ khi lên nắm quyền tại Nhật.
Chính trường Nhật Bản dậy sóng những ngày qua sau các scandal liên tiếp mà đương kim thủ tướng là trung tâm. Một vụ bê bối liên quan tới việc ghi chép hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tại Iraq vỡ lở trong bối cảnh bê bối đất công vẫn chưa hạ nhiệt.
Khảo sát do Nippon TV công bố hôm 15/4 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ở Abe giảm chỉ còn 26,7%, mức thấp nhất kể từ khi ông trở thành thủ tướng vào tháng 12/2012. Một khảo sát tương tự của báo Asahi công bố hôm 16/4 cho kết quả 31%.
Uy tín giảm sút đang khiến ông Abe gặp khó trong cuộc chạy đua cho vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào tháng 9. Ông cần phải chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu này mới có thể tiếp tục tại vị, nhưng thậm chí nhiều ý kiến dự đoán ông có thể từ chức thủ tướng trước khi LDP bầu chọn lãnh đạo nhiệm kỳ mới.
Dư luận hiện đồn đoán rằng ông Abe có thể kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn như từng làm hồi tháng 10 năm ngoái, khi mức ủng hộ dành cho ông lao dốc.
Cựu thủ tướng Koizumi cho rằng nếu ông Abe vẫn có thể tiếp tục tại vị, điều này có thể làm tổn hại các ứng viên của LDP trong cuộc bầu cử thượng viện vào mùa hè năm 2019.
Thủ tướng Nhật liên tục khẳng định ông không làm gì sai trái, dù cúi đầu xin lỗi đến hai lần chỉ trong 10 ngày đầu tháng 4.
Đám đông biểu tình tụ tập trước trụ sở quốc hội cuối tuần qua, cầm các biểu ngữ ghi "Abe đã xong" đồng thời hô vang "Abe từ chức". Ban tổ chức nói cuộc biểu tình đã thu hút đến 50.000 người tham gia.
Tuần trước, ông Abe phủ nhận việc can thiệp để đảm bảo cơ sở giáo dục Kake Gakuen, do người bạn Kotaro Kake điều hành, được ưu ái để xây một trường thú y. Ông cũng liên tục bác bỏ cáo buộc rằng ông và vợ can thiệp để một cơ sở giáo dục khác là Moritomo Gakuen được mua đất công với giá rẻ.
Trong khi những bê bối trên chưa lắng xuống, chính quyền Abe lại tiếp tục đối mặt với chỉ trích sau khi những ghi chép về hoạt động của SDF tại Iraq giai đoạn 2004-2006 bị phát hiện. Dư luận nghi ngờ chính quyền cố tình che giấu các hoạt động mang tính chất "tham chiến" của binh sĩ Nhật Bản tại nước ngoài, trái với quy định trong "hiến pháp hòa bình".
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)