Theo nhiều nguồn tin, Thiên Cung-1 đã cháy trụi trước ma sát quá lớn trong lúc rơi xuyên bầu khí quyển của Trái đất vào sáng 2.4, và phần còn lại của nó rơi xuống ngoài khơi về hướng tây bắc của Tahiti, không xa “nghĩa địa phi thuyền” ở Nam Thái Bình Dương.
Vài chục phút trước đó, nó đã tiến nhập khí quyển vào 7 giờ 16 (giờ VN) ngày 2.4, theo Twitter của nhà thiên văn học Jonathan McDowell.
Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) cũng xác nhận thông tin trên.
Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn thông tin Văn phòng Cơ khí Không gian Có người lái Trung Quốc (CMSEO) dự kiến Thiên Cung-1 rơi vào khí quyển ở phạm vi trên bầu trời ngoài khơi bờ biển Brazil ở Nam Đại Tây Dương, gần các thành phố lớn Sao Paulo và Rio de Janeiro.
Kết cục của Thiên Cung-1 đã chấm dứt nhiều tháng dài hồi hộp của người dân địa cầu sau khi Bắc Kinh vào năm 2016 xác nhận thông tin đã mất khả năng kiểm soát Thiên Cung-1 (nặng 8,5 tấn khối và kích thước cỡ xe buýt trường học) và nó sẽ rơi xuống trái đất trong năm 2018.
Đa số các bộ phận Thiên Cung-1 được cho là sẽ cháy rụi khi đi qua tầng khí quyển nhưng các mảnh vỡ còn lại vẫn có thể nặng tổng cộng đến 100 kg khi tiếp đất. Dù không xác định được vị trí rơi của Thiên Cung-1, nhà chức trách Trung Quốc khẳng định nguy cơ xảy ra thương vong và tổn thất trên mặt đất là rất thấp.
Theo Thụy Miên (Thanh Niên Online)