Theo trang tin Business Insider, hãng nghiên cứu phi lợi nhuận Aerospace Corporation ước tính tàu vũ trụ Thiên Cung 1, hiện không còn hoạt động nữa, sẽ rơi trở lại khí quyển Trái đất vào khoảng giữa tháng 3 năm nay, có thể sớm hoặc muộn hơn 2 tuần so với thời điểm rơi ước tính đó.
Việc một tàu vũ trụ nặng 8,5 tấn lao xuyên qua không khí với tốc độ 24.140 km/h tất yếu sẽ gây tác động nhiệt và áp suất rất lớn. Dù vậy không phải mọi thứ sẽ biến thành tro bụi.
Theo ông Bill Ailor - một kỹ sư hàng không chuyên về vấn đề quay trở lại khí quyển của các vật thể tại công ty Aerospace Corporation, nhiều khả năng bộ phận bánh răng và các thiết bị phần cứng trong bảng điều khiển của Thiên Cung 1 vẫn sẽ còn nguyên khi rơi xuống đất.
Sở dĩ có hiện tượng này là nhờ vào các lớp vật liệu bảo vệ bên ngoài của tàu vũ trụ bọc lớp tựa như các lớp củ hành trong thiết kế của trạm Thiên Cung 1.
Ông Ailor lý giải: "Về cơ bản, nhiệt độ sẽ chỉ bóc tách các lớp vỏ này. Nếu có đủ các lớp vỏ bao bọc, rất nhiều năng lượng sẽ tiêu hao trước khi một vật thể cụ thể bị tách rời ra, nó cũng sẽ không nóng và rơi xuống đất".
Ông Ailor lấy ví dụ tương tự xảy ra sau khi tàu vũ trụ Columbia của NASA gặp tai nạn, nổ tung trên bầu trời bang Texas, Mỹ năm 2003. Các nhà điều tra đã tìm thấy một chiếc máy tính trên tàu, và chính vật thể này đã giúp lý giải nguyên nhân của tai nạn thảm khốc đó.
Thiên Cung 1 là một trạm vũ trụ có 2 phòng dành cho hai phi hành gia. Nó có kích thước khoảng 15 m3, tương đương với khoảng 1/60 kích thước của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Năm 2016, Trung Quốc đã phóng trạm vũ trụ Thiên Cung 2 thay thế cho Thiên Cung 1 sau khi mất liên lạc với trạm vũ trụ đầu tiên trong quỹ đạo của họ vào ngày 16-3-2016.
Theo D.Kim Thoa (Tuổi Trẻ)