Khi chúng tôi liên lạc với Pun Yin, thầy phong thủ của Trump hỏi về chuyện ai có thể thắng trong kỳ bầu cử này, bà nói sẽ phải hỏi thêm luật sư nếu muốn bình luận về khách hàng này.
|
“Tôi sẽ phải hỏi thêm luật sư nếu muốn bình luận về khách hàng này (Donald Trump). Và tôi thì không muốn làm vậy”, bà nói. |
Quả cầu thép được cho là giúp chắn các năng lượng xấu gây ra bởi các xe cộ đi lại quanh vòng xoay Columbus Circle (ngã 5 rất lớn góc giữa phố 59 của Central Park với đại lộ 8 và Broadway). Mặt kính ngoài của toà nhà thì được cho là giúp hấp thụ các năng lượng âm gây ra bởi gió xung quanh toà nhà.
Theo bà thì những năng lượng của giao thông nhắm vào toà nhà gây ra bất ổn vì nó “giống như đạn suốt ngày” nên sẽ không tốt.
Bà Pun Yin còn yêu cầu đổi hướng cửa của toà tháp sang hướng Central park, nơi mà bà gọi là “Thanh long của thành phố New York” thay vì hướng ban đầu chĩa thẳng vào vòng xoay Columbus Circle.
Pun Yin vẫn luôn tự hào khoe về thành tích này mỗi khi có phóng viên đến. Tấm hình bà chụp cùng Trump trong buổi lễ động thổ của toà nhà vào năm 1995 được treo trong văn phòng của bà trên đường Bowery ở Chinatown thuộc Manhattan, New York.
|
Bức ảnh bà Pun Yin cùng Donald Trump trong lễ động thổ năm 1995 mà bà thường treo trang trọng trong văn phòng mình. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Việc chọn bà Pun Yin (người Hong Kong) khi đó được cho là vì nhiều khách châu Á muốn đầu tư vào bất động sản ở Mỹ (bao gồm từ người Hoa ở Hong Kong đến người Nhật và Hàn Quốc).
Một điểm cần nói rõ là mặc dù toà nhà có tên Trump nhưng Donald Trump không phải chủ sở hữu của toà nhà. Đây là toà nhà do một công ty của General Electrics sở hữu.
Giống như rất nhiều toà nhà tên Trump khác ở New York, tỷ phú Donald Trump xây dựng toà nhà rồi dùng thương hiệu Trump để giúp người sở hữu bán nhà được nhanh hơn.
Bà Pun Yin theo nghiệp của cha bà, Tin-Sun, một thầy phong thuỷ có tiếng khác trong cộng đồng người Hong Kong tại Mỹ.
Bà Pun Yin cũng nhờ dự án này trở thành nổi tiếng trong giới phong thuỷ, khi bà mới 27 tuổi và nhận được một loạt hợp đồng với CEO của hãng thời trang Theory, ngân hàng First Republic và một số dự án của thành phố New York.
Vài năm trước, tôi thường cùng giới phóng viên ở New York đi dự những buổi lấy hên đầu năm mà bà tổ chức. Đây là tin thuộc dạng “lạ”, đi làm cho vui. Sau những buổi như vậy, Pun Yin thường về Hong Kong và Đài Loan, nơi bà có nhiều khách “sộp” vào đầu năm.
|
Tỷ lệ ủng hộ hai ứng viên (xanh: Clinton, đỏ: Trump) tại các bang chiến trường tính đến ngày 3/11. Đồ họa: BBC |
Khi tôi liên lạc với Pun Yin lần này để hỏi về chuyện ai có thể thắng trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, bà cẩn trọng hơn rất nhiều. “Tôi sẽ phải hỏi thêm luật sư nếu muốn bình luận về khách hàng này. Và tôi thì không muốn làm vậy”, bà nói.
Điều này cũng khá dễ hiểu khi rất nhiều đối tác của Donald Trump trong quá khứ đã bị vị tỷ phú này kiện. Ông Trump nổi tiếng là người không dễ làm việc cùng và thường xuyên kiện các đối tác khi có việc không vừa lòng.
Năm 2012, khi tôi gặp để hỏi Pun Yin về cuộc chạy đua giữa Obama và Mitt Romney, bà cũng từ chối dự đoán người thắng cuộc.
Nhưng bà có nói phong thuỷ phòng làm việc trong phòng bầu dục của Tổng thống Obama không tốt khi có quá nhiều cửa kính phía sau lưng ông. “Nhiều luồng khí vậy thì ông sẽ luôn bị tấn công, chỉ trích từ nhiều phía”, bà nói.
Có lẽ bà không sai vì quốc hội Mỹ vẫn luôn cản trở Obama kịch liệt trong suốt 8 năm qua. Nhưng có lẽ sẽ không tổng thống nào nhậm chức sửa phần kiến trúc đó của Nhà Trắng (các tổng thống có bài trí nội thất riêng sau nhậm chức).
Hoặc có thể họ nên gặp Pun Yin để đổi vận như Donald Trump?
Theo Thanh Tuấn (Zing.vn)