Sau phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm hoạ này vào lúc 11h02’ theo giờ địa phương - đúng thời khắc bom nguyên tử rơi xuống thành phố vào ngày 9/8/1945 - Thị trưởng thành phố Nagasaki Tomihisa Taue đã có bài phát biểu kêu gọi Chính phủ Nhật Bản ký và phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc và tham gia hiệp ước đã có hiệu lực vào tháng 1/2021 này với tư cách quan sát viên cũng như thúc đẩy xây dựng một khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á.
Ông Taue cũng bày tỏ lo ngại về mối đe doạ ngày càng tăng từ hoạt động chạy đua vũ khí hạt nhân đang diễn ra hiện nay, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết giảm vũ khí hạt nhân và xây dựng lòng tin thông qua đối thoại để hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh: “Là nước duy nhất hứng chịu các trận ném bom nguyên tử, nhiệm vụ của Nhật Bản là dẫn đầu nỗ lực của cộng đồng quốc tế từng bước tiến tới hiện thực hoá một thế giới không có vũ khí hạt nhân’. Tuy nhiên, Thủ tướng Suga không đề cập hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, song
Nhật Bản cùng với các quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới đã từ chối tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân
Trong thông điệp gửi tới buổi lễ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đã có hiệu lực cũng như việc Mỹ và Nga sẵn sàng tham gia đối thoại kiểm soát vũ khí, coi đây là những yếu tố mang lại hy vọng, song ông nhấn mạnh “vẫn còn nhiều việc phải làm”. Nhà lãnh đạo LHQ cảnh báo: “Viễn cảnh sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn nguy hiểm như bất kỳ thời điểm nào kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai”.
Cũng giống như năm ngoái, lễ tưởng niệm năm nay được tổ chức với quy mô thu hẹp do dịch COVID-19, với khoảng 500 khách mới, chỉ bằng 1/10 khách mời tham gia sự kiện này hằng năm.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, quân đội Mỹ đã ném một quả bom nguyên tử mang tên "Little Boy" xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản lúc 8h15’ ngày 6/8/1945. Vụ ném bom này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người. Chỉ 3 ngày sau đó, ngày 9/8/1945, thành phố Nagasaki cũng hứng chịu quả bom nguyên tử "Fat Man" khiến hơn 74..000 người thiệt mạng. Không chỉ dừng lại ở những con số thương vong, các tác động của phóng xạ khiến hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng về sức khỏe và cuộc sống sau này
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến tháng 3/2021, tổng số nạn nhân sống sót trong hai vụ ném bom tại Hiroshima và Nagasaki là 127.756 người, giảm khoảng 8.900 người so với một năm trước. Tuổi trung bình của các nạn nhân này là 83,94.
Theo Minh Châu (Báo Tin Tức)