Những người ở Brazil lúc này có lẽ mang trên mình cảm giác mắc kẹt giữa một chiến trường điên loạn. Một trận chiến mà họ bị bao vây suốt 14 tháng bởi kẻ địch đầy chết chóc, ngày càng siết chặt vào bản thân và gia đình mà không có cách nào thối lui. Thứ virus đáng sợ ấy ngày càng biến đổi để bắt vào bất cứ ai trong tầm với, không khoan nhượng với kể cả phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
Sau hơn 12 tháng chịu đựng, hơn 390.000 người Brazil đã biến mất. Đầu tháng 4/2021, số người chết tăng lên tới 4000 ca mỗi ngày, trong khi số ca nhiễm mới là 100.000 mỗi 24h. Các bệnh viện nghẹt cứng với hàng chục ngàn bệnh nhân, chiếm trọn mọi chỗ trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) ở đất nước từng sở hữu hệ thống y tế quốc gia cực kỳ lớn mạnh, và có nhiều bệnh viện hơn cả nước Mỹ.
Cơn sóng thần dịch bệnh đã khiến toàn hệ thống y tế Brazil sụp đổ, tạo ra nhiều kỷ lục ca nhiễm và tử vong. Hơn thế nữa, trữ lượng công cụ y tế cần thiết để bệnh nhân tồn tại - như ống thở - đang ở mức thấp kỷ lục và hoàn toàn có thể cạn kiệt hoàn toàn, bởi chính phủ Brazil đã thất bại trong việc bổ sung cách đây vài tháng.
Và hệ quả là một quả bom thảm họa, khi người Brazil phải chịu đựng phong tỏa tới giữa tháng 4/2021. Đợt sóng dịch bệnh thứ 2 đã khiến cả 5 khu vực của đất nước bị nhấn chìm kể từ đầu tháng 11/2020. Nó đến từ việc nới lỏng quá sớm các biện pháp giãn cách xã hội - thứ đã phần nào giúp một vài khu vực của quốc gia này tránh xa thảm họa khi dịch bệnh mới bắt đầu. Tình hình tệ hơn với các cuộc bầu cử quy mô lớn diễn ra vào năm 2020, và trở nên thật kinh khủng vào dịp Giáng sinh năm ngoái.
Và như để mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nữa, Brazil đang chịu thêm một gọng kìm từ một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 - biến chủng P.1, xuất hiện lần đầu tại khu vực Amazon. Sau khi đánh sập hệ thống y tế của trung tâm kinh tế Manaus, biến chủng này nhanh chóng lan rộng ra toàn Brazil trong 3 tháng đầu năm 2021.
Với khả năng lây lan hiệu quả gấp 2,5 lần so với chủng cũ, P.1 giống như cú hích cần thiết cuối cùng để tạo ra một trận sóng thần, khiến Brazil không thể gượng dậy và tạo ra cơn khủng hoảng nhân quyền kinh hoàng nhất lịch sử quốc gia này.
Sụp đổ toàn bộ
Đầu tháng 3/2021, sự quá tải không chỉ dừng lại ở các bệnh viện tại Manaus, mà nhắm đến những khu vực giàu mạnh nhất phía Nam và Đông Nam. Đó là nơi có các thành phố như Porto Alegre, Florianopolis, và đặc biệt là São Paulo. Thành phố với 23 triệu dân từng tự hào là nơi có hệ thống y tế lớn mạnh nhất, cơ sở vật chất y tế bền vững trong toàn khối Mỹ Latin, thậm chí là toàn bộ các nước ở Nam Bán cầu.
Chất lượng của các bệnh viện tư nhân tại đây nếu đứng số 2 thì không quốc gia nào nhận số 1. Nhưng như vậy cũng chẳng đủ để giúp thành phố và bang São Paulo ngăn được trận sóng thần quá khủng khiếp, với bệnh nhân ào đến từ mọi hướng. Mọi thành phố ở bang này đều chết ngập vì lượng bệnh nhân quá lớn, chiếm tới 93% tổng số giường ICU và khiến cả hệ thống sụp đổ hoàn toàn.
Bệnh nhân gia tăng, ICU và bệnh viện hết chỗ, nguồn cung vật tư y tế thiếu hụt và sự kiệt quệ của y bác sĩ đã đẩy mọi thứ đến giới hạn. Tại São Paulo, 7/10 bệnh nhân phải vào ICU trong 4 tuần qua đều không thể sống nổi. Ở các bang khác, tỉ lệ thậm chí còn kinh khủng hơn - lên tới 9/10. Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, Brazil chứng kiến tỉ lệ tử vong của phụ nữ mang thai tăng đều đặn, lên tới 12,7% ở một số khu vực của đất nước.
Lò ấp biến chủng - quả bom nổ chậm của cả thế giới
Hơn 1600 trẻ sơ sinh đã thiệt mạng trong đại dịch, hoặc do sinh non, hoặc do ra đời khi mắc Covid-19 và chết vì các biến chứng sau đó. So về tỉ lệ, nó cao hơn gấp 10 - 20 lần so với Mỹ và Anh. Và nếu thống kê đầy đủ thì Brazil sẽ rất sớm thôi ghi nhận tỉ lệ tử vong còn lớn hơn tỉ lệ sinh.
Tháng 3/2021, chênh lệch giữa sinh và tử chỉ còn vỏn vẹn 46.000, và ở những bang như Rio Grande Sul hay thành phố Rio de Janeiro, con số tử vong thậm chí còn vượt sinh. Xu hướng đáng báo động này được dự đoán sẽ sớm xảy ra với cả nước. Số ca tử vong mỗi ngày tăng nhanh đến nỗi các nghĩa trang và lò hỏa táng không kịp đáp ứng, làm dấy lên lo ngại rằng đất nước sẽ không thể xử lý được các thi thể nếu tình hình ngày một tệ hơn.
Brazil hiện tại đang trở thành một phòng thí nghiệm lớn nhất thế giới, một lò ấp biến chủng Covid-19, cho phép virus đột biến ở mọi nơi của đất nước với con số không thể tưởng tượng nổi. Và khi số lượng đột biến tăng lên, cơ hội xuất hiện biến chủng với khả năng lây lan nhanh và chết chóc hơn cũng sẽ tăng thêm rất nhiều.
Nếu có những biến chủng như vậy xuất hiện, rủi ro chúng chạm tới những quốc gia khác là điều rất hiển nhiên. Đầu tiên là các nước Mỹ Latin, rồi sau đó là cả thế giới chỉ trong vòng vài tuần hoặc tháng. Biến chủng P.1 chiếm ưu thế tại Brazil hiện đã được xác định ở 37 quốc gia trên thế giới. Giống như thảm họa Fukushima của Nhật Bản, thảm kịch của Brazil sẽ tạo nên một phản ứng dây chuyền, trở thành mối đe dọa cho toàn nhân loại.
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)