Theo Hãng tin RT, Trung Quốc đã bắt đầu khởi động Chương trình phát triển mẫu UAV lưỡng cư, có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở cả hai môi trường trên không và dưới nước. Dự kiến, quân đội Trung Quốc sẽ dùng thiết bị này để giám sát các tuyến đường biển, phá hủy thủy lôi, phóng tên lửa tấn công mục tiêu. Ngoài ra, loại UAV lưỡng cư này còn có thể được sử dụng để chống tàu ngầm, cũng như tiêu diệt radar hoặc thiết bị vô tuyến của đối phương.
Trong bài viết mới đây đăng trên Tạp chí Mỹ The National Interest, Giáo sư Lyle J.Goldstein của Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (China Maritime Studies Institute) thuộc Trường Hải chiến Hoa Kỳ (United States Naval War College) tại Newport, bang Rhode Island (Mỹ) cho biết, một nhóm giáo sư và sinh viên từ Đại học Kỹ thuật Không quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA Air Force Engineering University) đang triển khai dự án này với một khoản trợ cấp dài hạn. Nhóm phát triển dự án cho biết, họ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về hình dáng bên ngoài của mẫu UAV lưỡng cư mới, cùng các giải pháp kỹ thuật sẽ được dùng trong quá trình chế tạo thiết bị này. Ngoài ra, họ cũng đang bàn bạc để xác định xem loại động cơ nào là tốt nhất cho UAV lưỡng cư. Bên cạnh đó, các nhà phát triển còn đang cân nhắc xem nên dùng hai hệ thống động cơ riêng biệt hay cần phải chế tạo ra một loại động cơ dùng được cho cả hai môi trường trên không và dưới nước. Các vấn đề về đặc tính chiến thuật-kỹ thuật trong hệ thống thông tin liên lạc của UAV lưỡng cư cũng chưa xác định rõ ràng.
RT cho biết, theo nguồn tin của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, quá trình phát triển mẫu UAV lưỡng cư mới, các chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc sẽ vận dụng kinh nghiệm chế tạo các thiết bị tương tự của một số nước. Một trong các dự án trước đây sẽ được Trung Quốc đưa vào “cuốn cẩm nang” để phục vụ cho công tác chế tạo mẫu UAV lưỡng cư mới là chương trình vũ khí thời Liên Xô. Đó là dự án chế tạo tàu ngầm bay do học viên Boris Ushakov của Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân Cao cấp F.E. Dzerzhinsky đề xuất vào năm 1934. Con tàu lưỡng cư này dự kiến được tạo ra để tiêu diệt tàu chiến đối phương trên các vùng biển rộng và tại các khu vực gần căn cứ trên biển. Từ trên không, tàu lưỡng cư sẽ tấn công mục tiêu, sau đó hạ cánh trên mặt nước, lặn xuống và thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở vị trí dưới nước. Theo dự án, mẫu tàu ngầm bay này có kíp lái gồm 3 người, được trang bị hai quả ngư lôi và một khẩu súng máy đồng trục. Ngoài ra, về cấu trúc, dự kiến, tàu ngầm bay có 6 khoang độc lập, trong đó 3 khoang đặt động cơ máy bay AM-34 công suất 1.000 mã lực. Khi tàu lặn xuống nước, thủy thủ đoàn phải di chuyển từ cabin sang khoang trung tâm, nơi đặt trụ sở chỉ huy. Dự án của Boris Ushakov đã được phát triển trong 4 năm nhưng không đi đến giai đoạn tạo ra nguyên mẫu thử nghiệm.
Ngoài ra, các nhà phát triển Trung Quốc cũng xem xét các kinh nghiệm mới về chế tạo UAV lưỡng cư. Từ năm 2012, kỹ thuật này đã được triển khai ở Mỹ. Tập đoàn Lockheed Martin là đơn vị đi đầu thực hiện kế hoạch nghiên cứu chế tạo mẫu UAV kiểu mới này. Dự án của Lockheed Martin mang tên Cormorant được phát triển cho nhiệm vụ trinh sát. UAV Cormorant sẽ được phóng từ ống phóng của tàu ngầm thuộc lớp Ohio. Tiếp theo, từ trên không, Cormoran chụp lại hình ảnh hoặc quay phim khu vực xung quanh. Sau đó, Cormoran “nhảy dù” hạ cánh xuống địa điểm được định trước. Cho đến nay, dự án này vẫn còn trên lý thuyết.
Nhận định về dự án UAV lưỡng cư của Trung Quốc, chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Moscow (Nga) cho biết, ý tưởng về thiết bị bay lưỡng cư không có gì mới. Theo ông, Liên Xô và các nước khác trên thế giới đã phát triển các thiết bị tương tự từ lâu. Vasily Kashin cho biết, nếu chế tạo thành công mẫu UAV lưỡng cư, Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị mới này để vượt qua các hệ thống vũ khí mà đối phương hiện có. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, ngay cả trong bối cảnh công nghệ quân sự phát triển như hiện nay, xét về mặt kỹ thuật, rất khó để thực hiện một ý tưởng như vậy.
Trong khi đó, người sáng lập Cổng thông tin Quân sự Nga (Military Russia) Dmitriy Kornev nhấn mạnh, về mặt lý thuyết, trong thời đại hiện nay, các nhà sản xuất vũ khí có thể chế tạo được UAV lưỡng cư, nhưng chi phí sản xuất sẽ rất đắt. Do đó, rất có thể không thực hiện được khâu sản xuất theo dây chuyền.
Theo Thùy Linh (Quân Đội Nhân Dân Online)