Tình trạng sử dụng bừa bãi thiết bị bay không người lái khiến lực lượng chức năng Trung Quốc lo ngại, khi những thiết bị này nhiều lần gây ảnh hưởng tới các sân bay, hay chụp ảnh những khu vực được cho là nhạy cảm.
Cảnh sát thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 24-5 cho biết, 2 người đàn ông đã bị bắt giữ vì điều khiển thiết bị bay không người lái chụp ảnh một mục tiêu bí mật tại thành phố này.
Theo cảnh sát, những người này làm việc cho một công ty sản xuất phim, họ điều khiển thiết bị bay để ghi lại cảnh bầu trời thành phố vào ngày 18-5 nhưng không xin phép giới chức địa phương. Vụ việc bị phát hiện khi một người nhìn thấy thiết bị bay không người lái lơ lửng trên văn phòng của anh ta và báo cảnh sát. Cảnh sát bắt giữ 2 người trên ngay tại hiện trường và phát hiện những hình ảnh có độ nét cao về một mục tiêu bí mật trong thành phố. Hai người này bị bắt giam 10 ngày, trong khi thiết bị bay bị tạm giữ và thẻ nhớ bị tịch thu.
Đe dọa an toàn hàng không
Trước vụ việc trên, hoạt động trái phép của những thiết bị bay không người lái đã gây rối loạn nhiều sân bay ở Trung Quốc. Hãng Tân Hoa xã ngày 1-5 dẫn thông tin từ cơ quan quản lý Sân bay Quốc tế Trường Thủy, tỉnh Vân Nam cho biết, một thiết bị bay không người lái xuất hiện ở vùng bảo vệ an toàn của sân bay đã khiến 32 chuyến bay trong ngày buộc phải chuyển sang hạ cánh tại sân bay khác hoặc quay về địa điểm xuất phát. Tổ lái của một chiếc máy bay đang chuẩn bị hạ cánh đã phát hiện thiết bị này vào khoảng 2h chiều (giờ địa phương). Sau đó 1 tiếng, Sân bay Quốc tế Trường Thủy mới hoạt động trở lại.
Kể từ ngày đầu tháng 2 năm nay, sân bay quốc tế của tỉnh Vân Nam đã bị xáo trộn hoạt động bởi 6 sự cố liên quan đến thiết bị bay không người lái. Trước những diễn biến nguy hiểm nói trên, cơ quan cảnh sát tỉnh Vân Nam đã vào cuộc điều tra.
Vào cuối tháng tư, 4 thiết bị bay không người lái đã xuất hiện trái phép tại Sân bay Quốc tế Song Lưu ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên khiến 58 chuyến bay phải hạ cánh xuống sân bay khác, 4 chuyến khác phải quay về nơi xuất phát và hơn 10 chuyến bay bị hủy trong ngày 21-4. Hơn 100.000 hành khách đã bị mắc kẹt ở sân bay. Sân bay này nối lại hoạt động vào sáng sớm hôm sau.
Các thiết bị bay không người lái đang là mối đe dọa an toàn hàng không. Là sân bay lớn nhất ở miền tây Trung Quốc, tuy nhiên tính từ ngày 14 đến 21-4, Sân bay Quốc tế Song Lưu bị rối loạn bởi 4 vụ việc liên quan tới thiết bị bay không người lái. Sở Công an thành phố Thành Đô đã treo thưởng ít nhất 10.000 NDT (1.5000 USD) cho người cung cấp thông tin về sự hoạt động bừa bãi của các thiết bị bay không người lái.
Bắt buộc đăng ký thông tin chủ sở hữu
Để giải quyết tình trạng rối loạn hoạt động sân bay, mới đây, Sân bay Quốc tế Tiêu Sơn tại thành phố Hàng Châu ở miền Đông Trung Quốc cho biết, sẽ sử dụng giải pháp công nghệ cao để kiểm soát các phương tiện bay không người lái. Công nghệ được gọi là “Bức tường điện tử” sẽ giúp chặn liên lạc giữa các thiết bị bay không người lái và thiết bị điều khiển từ xa, trong trường hợp chúng tiến vào phạm vi 10km quanh sân bay. Điều này khiến các thiết bị bay không thể nhận được tín hiệu và chỉ có thể trở về nơi chúng được phóng đi.
Ngoài ra, kể từ ngày 1-6 tới đây, Trung Quốc yêu cầu những người sở hữu các thiết bị bay không người lái dân sự nặng hơn 250 gram phải đăng ký thông tin chính xác về chủ sở hữu. Theo ông Trương Thụy Khánh, một quan chức cấp cao tại Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), việc đăng ký này là một hoạt động quốc tế phổ biến và là nền tảng cho việc quản lý hiệu quả hơn.
Chính phủ cũng đang làm việc với nhiều cơ sở để chia sẻ và kiểm tra dữ liệu đăng ký của các thiết bị bay không người lái dân sự. CAAC cũng sẽ thông tin về các khu vực xung quanh sân bay cấm loại thiết bị này, đồng thời làm việc với chính quyền địa phương để theo dõi và xử lý những phương tiện bay không người lái hoạt động trái phép.
Ông Sophie Pan, một nhà phân tích làm việc tại công ty nghiên cứu thị trường IDC China, trao đổi với tờ South China Morning Post rằng, “việc đăng ký chủ sở hữu sẽ giúp ngành công nghiệp sản xuất thiết bị bay không người lái ở Trung Quốc phát triển lành mạnh hơn”.
Theo iResearch, thị trường của loại thiết bị này ở Trung Quốc dự kiến đạt 7,5 tỷ NDT (10,9 triệu USD) vào năm 2025. Tuy nhiên, thực tế, việc siết chặt quản lý thiết bị bay không người lái có thể ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của mặt hàng công nghệ đang được ưa chuộng này.
Theo Khánh Chi (An Ninh Thủ Đô)