Quân đội Trung Quốc hôm 12/2 hoàn tất thử nghiệm kéo dài 6 ngày với máy bay không người lái (UAV) mang tên CH-4, trong đó bao gồm nội dung hoạt động ở độ cao cực lớn và bắn thử tên lửa trong điều kiện thời tiết phức tạp, People's Daily đưa tin.
Ở thử nghiệm cuối cùng, chiếc CH-4 đã bay 15 tiếng ở độ cao 20 km, khu vực được coi là "rìa không gian" cách mực nước biển 18-100 km. Bắc Kinh cho biết mẫu CH-4 mới có thể đạt độ cao tới 65 km và hoạt động trong nhiều tuần liền nhờ sử dụng năng lượng Mặt Trời.
Trong báo cáo sức mạnh quân đội Trung Quốc năm 2017, Lầu Năm Góc tiếp tục nhấn mạnh nỗ lực đe dọa tàu sân bay Mỹ bằng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của Trung Quốc. Sự xuất hiện của CH-4 là một trong những minh chứng rõ ràng nhất của chiến lược này.
Biến thể CH-4 mới nhất có sải cánh 40 m, rộng hơn cả sải cánh máy bay chở khách Boeing 737. Tuy nhiên, CH-4 chỉ nặng tối đa 500 kg do được chế tạo từ sợi carbon và nhựa tổng hợp. Dòng UAV này có tốc độ hành trình 201 km/h, hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời và bao quát được khu vực rộng hơn một triệu km vuông.
Đây là những tính năng quan trọng, cho phép CH-4 trinh sát mục tiêu trong thời gian dài, cũng như đóng vai trò trạm chuyển tiếp thông tin và liên lạc quân sự. Ngoài ra, CH-4 cũng là nền tảng hoàn hảo để Trung Quốc đe dọa tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Tây Thái Bình Dương.
Trước đây, Bắc Kinh đầu tư nguồn lực lớn cho dự án tên lửa "sát thủ diệt hạm" DF-21D, được cho là đủ sức tiêu diệt tàu sân bay Mỹ nếu bắn trúng. Tuy nhiên, điểm yếu của DF-21D là Trung Quốc chưa sở hữu các hệ thống trinh sát tầm xa, radar và thông tin liên lạc để theo dõi, liên tục cập nhật tham số của tàu sân bay Mỹ vốn liên tục di chuyển trên biển cho tên lửa.
Mỹ luôn tìm cách phá chiến lược A2/AD Trung Quốc bằng cách bẻ gãy liên kết trong mạng lưới trinh sát và thông tin liên lạc này. Hồi năm 2013, Lầu Năm Góc từng nghiên cứu học thuyết Tác chiến không - biển (ASB), trong đó tập trung vào việc vô hiệu hệ thống chỉ huy, tình báo, trinh sát và máy tính của đối phương, sau đó phá hủy các bệ phóng vũ khí để loại bỏ mối đe dọa.
CH-4 khiến Mỹ gặp khó trong việc phá mạng lưới khí tài chống tàu sân bay của Trung Quốc. Trong trường hợp vệ tinh do thám và dẫn đường bị Washington vô hiệu hóa, Bắc Kinh có thể sử dụng loại UAV này để truyền tham số về vị trí tàu sân bay Mỹ để dẫn đường cho tên lửa diệt hạm.
Mẫu CH-4 mới có một số lợi thế so với các hệ thống trinh sát khác, bao gồm giá rẻ và linh hoạt hơn vệ tinh, trong khi bay cao và xa hơn máy bay và tàu do thám thông thường. UAV này cũng có thể mang nhiều loại bom chùm và tên lửa dẫn đường, phục vụ yêu cầu tấn công trực tiếp vào tàu chiến Mỹ.
Việc triển khai hỏa lực từ độ cao cực lớn đối diện nhiều thách thức, như thời tiết cực đoan có thể làm giảm đáng kể độ chính xác hay máy bay và vũ khí dễ bị tổn thương trước hệ thống tác chiến điện tử của đối phương. Tuy nhiên, nó vẫn mở ra nhiều phương án mới trong việc tấn công, tiêu diệt biên đội tàu sân bay Mỹ nếu nổ ra xung đột quy mô lớn trong tương lai.
Theo Duy Sơn (VnExpress.net)