Nhóm năm cảnh sát, tất cả đều trong độ tuổi 20, thuộc Cơ quan Cảnh sát Đô thị Seoul (SMPA) đã được điều động sau khi giới chức nhận được báo cáo về vụ dẫm đạp chết người tại khu vực Itaewon, theo dữ liệu được SMPA gửi cho nghị sĩ Đảng Dân Chủ đối lập Lee Tae-won.
Đội cảnh sát số 11 có mặt tại hiện trường lúc 23 giờ 40 phút 29/10, theo chỉ đạo của Lee Im-Jae, cựu chỉ huy Sở cảnh sát Quận Yongsan, nơi chịu trách nhiệm khu vực Itaewon. Trước đó, cuộc gọi đầu tiên báo cáo về vụ dẫm đạp diễn ra lúc 22 giờ 15 phút.
Bốn nhóm cảnh sát khác lần lượt tới hiện trường trong thời gian từ 23 giờ 50 phút 29/10 tới 01 giờ 14 phút 30/10, theo dữ liệu của SMPA.
Lee, người hiện đã bị đình chỉ công tác, tới sở cảnh sát ở Itaewon lúc 23 giờ 05 phút, nghĩa là 50 phút sau khi vụ dẫm đạp diễn ra.
Tới 0 giờ 11 phút sáng 30/10, thêm tám đơn vị cảnh sát nghĩa vụ được điều động tới hiện trường. Vai trò của cảnh sát nghĩa vụ ở Hàn Quốc là hỗ trợ sĩ quan cảnh sát làm nhiệm vụ, theo Yonhap. Nhóm cảnh sát nghĩa vụ đầu tiên tới hiện trước lúc 0 giờ 50 phút 30/10, và bảy nhóm tiếp theo lần lượt tới trong thời gian từ đó tới 01 giờ 12 phút.
Giám đốc SMPA Kim Kwang-ho được cảnh sát trưởng Yongsan báo cáo về vụ dẫm đạp lúc 23 giờ 36 phút 29/10. Điều này có nghĩa là ông Kim không nắm được tình hình về thảm họa ở Itaewon trong hơn một giờ đồng hồ.
Một nhóm điều tra độc lập thông báo ông Lee tới trụ sở cảnh sát muộn do muốn đi ôtô riêng, bất chấp tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở Itaewon vào thời điểm dẫm đạp xảy ra.
Trước đó, ông Lee ăn tối với các đồng nghiệp ở một nhà hàng trong khu vực. Lee tới Nhà ga Noksapyeong gần hiện trường vụ dẫm đạp lúc 10 giờ. Từ vị trí này, nếu đi bộ, Lee có thể tới hiện trường chỉ trong 10 phút.
Tuy vậy, Lee đã đi ôtô riêng và mất nhiều thời gian để di chuyển. Mãi tới 22 giờ 55 phút - 23 giờ 01 phút, ông có mặt ở một con đường gần sở cảnh sát Itaewon.
Đội điều tra cũng đang xem xét cáo buộc một báo cáo nội bộ của Sở Cảnh sát Yongsan về tình trạng an toàn công cộng đã bị xóa sau khi thảm họa ở Itaewon xảy ra. Báo cáo này được nhóm tình báo của sở cảnh sát thực hiện nhưng không được gửi cho các lãnh đạo. Đội điều tra nghi ngờ hành vi xóa báo cáo có thể cho thấy sở cảnh sát Yongsan đã tìm cách che đậy việc họ không hành động kịp thời.
Trong khi đó, báo cáo do nghị sĩ Cheon Jun-ho công bố cho thấy giới chức cứu hỏa nhận được cuộc khỏi khẩn cấp từ Itaewon tới đường dây nóng 119 vào lúc 22 giờ 12 phút. Người gọi điện cho biết họ bị khó thở, nhưng đã sớm dừng cuộc gọi.
Cuộc gọi này được thực hiện sớm hơn so với báo cáo trước đó của giới chức cứu hỏa Seoul về việc nhận được cuộc gọi khẩn đầu tiên tại hiện trường vụ dẫm đạp lúc 22 giờ 15 phút. Sở cứu hỏa Seoul giải thích do cuộc gọi lúc 22 giờ 12 phút quá ngắn và không rõ ràng, giới chức đã phải chờ tới cuộc gọi tiếp theo lúc 22 giờ 15 mới nắm được thông tin chi tiết về thảm họa.
Trung tâm Điều hành Khẩn cấp Seoul sau đó hai phút đã yêu cầu Sở cứu hỏa Yongsan điều động nhân sự tới hiện trường, đồng thời đề nghị cảnh sát phối hợp hỗ trợ. Trung tâm báo cáo tình hình cho chính quyền thành phố Seoul lúc 22 giờ 28 phút, và báo cáo lên Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc lúc 22 giờ 48 phút.
Trong khoảng một giờ tiếp theo, trung tâm nâng mức độ phản ứng khủng hoảng lên ba cấp độ, cấp độ cao nhất được phát đi lúc 23 giờ 50 phút.
Thảm họa cũng được báo cáo với văn phòng tổng thống Hàn Quốc lúc 22 giờ 53 phút.
Hà An (Nguoiduatin.vn)