Thái tử Mohammed bin Salman: Quyền lực bí ẩn có thể "khuynh đảo thế giới"?

17/10/2018 10:51:10

Sự biến mất của nhà báo Jamal Khashoggi một lần nữa khiến người ta nhắc đến Thái tử Mohammed bin Salman - nhân vật trẻ tuổi, quyền lực và đầy bí ẩn của Saudi Arabia.

Thái tử Mohammed bin Salman: Quyền lực bí ẩn có thể "khuynh đảo thế giới"?
Thái tử Mohammed bin Salman.

Sự biến mất của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi một lần nữa đã dồn mọi sự chú ý vào Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) – nhân vật đang làm khuynh đảo Trung Đông bằng những động thái táo bạo của mình kể từ ngày nắm quyền lực trong tay, theo Al Jazeera.

Kể từ khi vượt qua các đối thủ để trở thành Thái tử của Saudi Arabia vào năm 2015, người đàn ông 33 tuổi này đã nhận được sự ủng hộ thuận lợi trên các phương tiện truyền thông quốc tế, với vô số các báo cáo ca ngợi về cải cách kinh tế và xã hội ở quốc gia Ả Rập vốn nổi tiếng là bảo thủ.

Dẫu vậy, MBS cũng được cho là người đứng đằng sau hàng loạt những động thái táo bạo hay những kế hoạch “động trời, khiến cả thế giới phải xôn xao trong thời gian qua, trong đó phải kể đến sự can thiệp vào cuộc chiến ở Yemen, chiến dịch cô lập ngoại giao Qatar và chiến dịch thanh trừng tham nhũng trong hoàng tộc ở Saudi Arabia.

Trong vụ việc nhà báo Khashoggi mất tích trong những ngày qua, mọi sự chú ý đang đổ dồn về phía Thái tử Saudi Arabia, với những ý kiến cáo buộc rằng Mohammed bin Salman là người đứng sau vụ việc đang gây tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ bởi ông là người nổi tiếng cứng rắn với những cá nhân có ý kiến đối nghịch trong nước.

Sự can thiệp vào Yemen

Thái tử Mohammed bin Salman: Quyền lực bí ẩn có thể "khuynh đảo thế giới"? - 1
Saudi Arabia bị chỉ trích khi tham gia cuộc chiến ở Yemen.

Vào năm 2015, Saudi Arabia đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở nước láng giềng Yemen, tung ra một chiến dịch trên không nhắm vào phiến quân Houthi, phe nhóm đang nắm giữ thế thượng phong.

Với sự hỗ trợ hậu cần từ Mỹ, liên minh Saudi-UAE hiện đã thực hiện hơn 16.000 cuộc tấn công vào các khu vực do Houthi chiếm đóng nhằm đảo ngược tình thế.

Các tổ chức nhân quyền đã cáo buộc lực lượng liên minh của Saudi Arabia ném bom bừa bãi vào các mục tiêu dân sự, bao gồm bệnh viện, trường học và cơ sở hạ tầng khác.

Bên cạnh một chiến dịch không quân kéo dài, Saudi Arabia và UAE cũng đã phong tỏa cảng chiến lược Hodeidah, nơi mà nước này coi là trọng tâm cung cấp vũ khí cho Houthi – phiến quân được hậu thuẫn bởi Iran, đối thủ của Saudi Arabia.

Do sự phong tỏa này, viện trợ nhân đạo quan trọng đã không thể tiếp cận được Yemen. Từ năm 2015, ít nhất 10.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến Yemen, hàng ngàn người khác đã chết vì nạn đói do chiến tranh và hàng triệu người đã phải di tản.

Phát biểu với Time vào tháng 4/2018, Thái tử Mohammed bin Salman bảo vệ sự can thiệp do Saudi dẫn đầu tại Yemen, ông nói: "Trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào cũng có sai lầm xảy ra ... Tất nhiên, những sai lầm do Saudi Arabia hay liên minh gây ra là điều không lường trước”.

Gây sức ép lên Thủ tướng Lebanon

Thái tử Mohammed bin Salman: Quyền lực bí ẩn có thể "khuynh đảo thế giới"? - 2
Thủ tướng Lebanon Saad Hariri, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thái tử Mohammed bin Salman.

Câu chuyện về chuyến thăm tưởng chừng như rất bình thường của Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đến Saudi Arabia đã trở thành một bộ phim kịch tính được thực hiện bởi lực lượng an ninh của quốc gia Ả Rập.

Khi ông Hariri tới Thủ đô Riyadh vào tháng 11/2017, điện thoại của nhà lãnh đạo này bị tịch thu và một ngày sau đó ông xuất hiện trên một kênh truyền hình thuộc sở hữu của Saudi Arabia với tuyên bố từ chức.

Động thái này đã làm dấy lên sự phẫn nộ ở Lebanon với những cáo buộc cho rằng Saudi Arabia ngang nhiên bắt cóc và đe dọa Thủ tướng của một quốc gia có chủ quyền.

Quan hệ Saudi-Lebanon rơi vào căng thẳng khi Tổng thống Michel Aoun từ chối chấp nhận tuyên bố từ chức và kêu gọi các nhà chức trách ở Riyadh trả tự do cho Thủ tướng "bị bắt cóc" của nước này.

Về phần mình, ông Saad Hariri tiếp tục ra cáo buộc Iran và Hezbollah về việc làm mất ổn định Lebanon và tiếp tục ở lại thủ đô của Saudi trong hai tuần.

Thủ tướng Hariri cuối cùng đã trở về Beirut sau đó vài tuần nhờ những nỗ lực hòa giải thành công của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và rút đơn từ chức.

Mặc dù phủ nhận tất cả cáo buộc liên quan đến cái gọi là “vụ bắt cóc” ông Hariri, giới quan sát vẫn cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman có thể chính là đạo diễn của bộ phim kỳ quái này.

Đấu đá ngoại giao với Canada, Đức

Thái tử Mohammed bin Salman: Quyền lực bí ẩn có thể "khuynh đảo thế giới"? - 3
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland.

Sau khi bắt giữ một số nhà hoạt động vì quyền phụ nữ trong nước, Saudi Arabia đã tham gia vào một cuộc chiến ngoại giao với Canada vào tháng 8 vừa qua.

Sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau kêu gọi phóng thích các nhà hoạt động và cải thiện nhân quyền ở Saudi Arabia, vương quốc Ả Rập phản ứng bằng cách trục xuất đại sứ Canada ở Riyadh, đóng băng thương mại với đất nước Bắc Mỹ và yêu cầu tất cả các sinh viên Saudi ở Canada trở về nhà.

"Chúng tôi không muốn trở thành một quả bóng chính trị của Canada. Hãy tìm một quả bóng khác mà chơi", Ngoại trưởng Adel al-Jubeir phát biểu về lời chỉ trích của Canada.

Trả lời động thái của Saudi Arabia, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết Ottawa sẽ không thay đổi lập trường của mình. "Canada sẽ luôn luôn đứng lên vì nhân quyền ... Chúng tôi cảm thấy một nghĩa vụ cụ thể đối với những phụ nữ đang đấu tranh vì quyền lợi của họ trên khắp thế giới", bà cho biết.

Cũng vào tháng 11 năm ngoái, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã chỉ trích Saudi Arabia về cái gọi là "chủ nghĩa mạo hiểm" ở Trung Đông và cáo buộc nước này can thiệp vào chính trị nội bộ của Lebanon bằng cách giam giữ ông Hariri trong chuyến thăm Riyadh.

Những bình luận này đã bắt đầu cho một cuộc xung đột ngoại giao âm ỉ kéo dài mười tháng giữa hai nước, dẫn đến việc Saudi rút đại sứ từ Berlin và từ chối công nhận đại sứ của Đức tại Riyadh.

Vào tháng 4 năm nay, Đức cũng đã đưa ra dự thảo luật nhằm ngăn chặn xuất khẩu vũ khí và tất cả các hàng hóa và dịch vụ liên quan đến các quốc gia có thể sử dụng những thứ này để lạm dụng nhân quyền, với đối tượng chủ yếu tập trung vào Saudi và UAE trong cuộc chiến ở Yemen.

Cuộc chiến ngoại giao đã kết thúc vào tháng trước tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, khi Ngoại trưởng mới của Đức Heiko Maas nói rằng đất nước này đã quyết định gác lại mọi tranh chấp.

"Trong những tháng gần đây, quan hệ của chúng tôi đã chứng kiến ​​một sự hiểu lầm tương phản rõ ràng với mối quan hệ mạnh mẽ với Saudi. Chúng tôi cảm thấy hối tiếc vì điều này", Ngoại trưởng Maas nói.

Trừng phạt ở Ritz-Carlton

Thái tử Mohammed bin Salman: Quyền lực bí ẩn có thể "khuynh đảo thế giới"? - 4
Khách sạn Ritz-Carlton.

Kể từ khi trở thành Thái tử, MBS đã tiến hành các hoạt động cải cách gây tranh cãi trong nước, bao gồm cả chiến dịch thanh trừng tham nhũng quy mô lớn, nhằm vào cả các thành viên hoàng tộc.

Vào năm 2017, lực lượng an ninh Saudi đã bắt giữ hàng trăm nhân vật giàu có ở nước này trong một nỗ lực chống tham nhũng ở tầng cao nhất của bộ máy cai trị ở Saudi.

Những người bị bắt giữ đã bị nhốt trong nhiều tuần tại khách sạn Ritz-Carlton sang trọng ở Riyadh. Có ý kiến cho rằng, ngoài mục đích liên quan đến việc làm trong sạch bộ máy, Thái tử Mohammed bin Salman còn được cho là tận dụng chiến dịch này để loại bỏ những đối thủ gây ra mối đe dọa chính trị trong tương lai.

Mahjoob Zweiri, một giáo sư về chính trị Ả Rập đương đại tại Đại học Qatar, nói rằng cuộc thanh trừng là một phần trong kế hoạch của MBS nhằm củng cố kinh tế, cũng như quyền lực chính trị ở Saudi Arabia.

"Điều đó đòi hỏi phải phá hủy các đế chế kinh tế khác ở Saudi Arabia", ông nói với Al Jazeera, đề cập đến việc chính quyền Saudi Arabia đã thu về hơn 100 tỷ USD từ những người bị bắt giữ.

Phát biểu trong tháng 11/2017 sau khi thanh trừng, quốc vương Salman của Saudi nói rằng đó là một nỗ lực để giải quyết tham nhũng và trừng phạt "những cá nhân đặt lợi ích riêng của mình lên trên lợi ích công cộng hòng tích luỹ tiền bạc bất hợp pháp”.

Người đàn ông đằng sau cuộc khủng hoảng vùng Vịnh

Thái tử Mohammed bin Salman: Quyền lực bí ẩn có thể "khuynh đảo thế giới"? - 5
Qatar vẫn đứng vững sau chiến dịch phong tỏa của Saudi Arabia.

Vào ngày 5/6/2017, bốn quốc gia đã cắt đứt quan hệ với Qatar và áp đặt một cuộc phong tỏa ngoại giao và thương mại lên người hàng xóm vùng Vịnh.

Saudi Arabia đã đóng cửa biên giới đất liền với Qatar, biến hàng xóm của mình thành một hòn đảo chỉ có thể đến được bằng đường hàng không và đường biển.

Về sau này, các nhà quan sát đánh giá, động thái cắt đứt quan hệ với Qatar được khởi xướng bởi Thái tử MBS và Thái tử UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan (MBZ), dường như không đạt được gì đáng kể ngoài việc chia rẽ cả Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).

Theo một báo cáo từ The Intercept, kế hoạch phong tỏa ban đầu bao gồm cả một lựa chọn quân sự táo bạo, với việc các lực lượng Saudi và UAE sẽ tiến hành xâm lược Qatar.

Kịch bản này sẽ bao gồm việc lực lượng Ả Rập băng qua biên giới đất liền vào Qatar, và với sự hỗ trợ quân sự từ UAE, sẽ chiếm giữ thủ đô Doha.

Dựa trên nguồn tin từ cộng đồng tình báo Mỹ và hai cựu quan chức Bộ Ngoại giao, tờ The Intercept cho biết âm mưu lật đổ này lẽ ra đã được triển khai ngay sau khi cuộc khủng hoảng bắt đầu được vài tuần.

Tuy nhiên, áp lực từ cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã khiến Thái tử Saudi phải nghĩ lại do lo ngại cuộc xâm lược sẽ làm tổn hại mối quan hệ lâu dài của Saudi với Mỹ.

Hơn một năm sau, sự phong tỏa chống lại Qatar vẫn không được nới lỏng, trong khi Qatar cũng từ chối đáp ứng mọi yêu cầu của Saudi Arabia và ba đồng minh.

Sự biến mất của Jamal Khashoggi

Thái tử Mohammed bin Salman: Quyền lực bí ẩn có thể "khuynh đảo thế giới"? - 6
Nhà báo Jamal Khashoggi.

Vào ngày 2/10, nhà báo Ả Rập, đồng thời cũng là nhân vật phê bình Thái tử MBS có tiếng - Jamal Khashoggi - đi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để lấy giấy xác nhận ly dị vợ cũ. Kể từ đó đến nay, Khashoggi đã biến mất không dấu vết.

Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Khashoggi đã bị Saudi Arabia giết hại. Về phần mình, các quan chức Saudi đã bác bỏ cáo buộc, khẳng định rằng Khashoggi đã rời khỏi tòa nhà ngay sau khi ông bước vào.

Kể từ đó, một ván cờ ngoại giao đã được “chơi” bởi Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều người chơi quốc tế khác.

Mỹ, Anh, Đức và một số quốc gia khác yêu cầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng về sự biến mất của nhà báo Khashoggi, đe dọa Saudi bằng các biện pháp trừng phạt nếu vương quốc này thực sự đứng đằng sau vụ việc.

Khashoggi vốn là một cố vấn của hoàng tộc Saudi, người đã không ủng hộ về việc Thái tử Salman bắt giữ những người chỉ trích kế hoạch cải cách của ông.

"Như chúng ta đã nói hôm nay, có những nhà báo và trí thức Ả Rập bị bỏ tù", Kashoggi nói với Al Jazeera trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3.

"Bây giờ sẽ không ai dám nói và chỉ trích cải cách ... Sẽ tốt hơn cho ông ấy khi cho phép một không gian cởi mở hơn cho các nhà phê bình, các nhà trí thức, nhà văn và phương tiện truyền thông Saudi được phép tranh luận".

Vụ việc Jamal Khashoggi vẫn chưa ngã ngũ, nhưng một lần nữa cái tên Mohammed bin Salman lại trở thành tâm điểm chú ý.

Theo Quốc Vinh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật