Jamal Khashoggi, 59 tuổi, ăn trưa cùng hai người bạn vào ngày 1/10 ở London để thảo luận về bài xã luận mà ông đã viết để chỉ trích việc thiếu tự do ngôn luận trong thế giới Arab, theo NYTimes.
Nhưng dường như Khashoggi không sợ hãi về kế hoạch của mình vào ngày hôm sau: lấy tài liệu từ lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul để đăng ký kết hôn.
Ông và vợ sắp cưới Hatice Cengiz, 36 tuổi, đến lãnh sứ quán vào giờ hẹn là 13h. Chỉ một mình Khashoggi vào bên trong nhưng Cengiz không thấy hôn phu đi ra. "Nếu tôi biết đó là lần cuối cùng tôi gặp Jamal thì tôi đã vào lãnh sự quán Arab Saudi thay cho ông ấy", cô nói.
"Tôi luôn nghĩ rằng Jamal và tôi không còn ở cùng một thế giới nữa. Tôi liên tục đặt câu hỏi: Anh ấy ở đâu? Anh ấy còn sống không? Nếu anh ấy còn sống thì tình trạng anh ấy như thế nào?", Cengiz cho biết.
Các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng một nhóm gồm 15 người Arab Saudi đã giết Khashoggi trong lãnh sự quán. Trong khi đó, Arab Saudi bác bỏ cáo buộc, khẳng định Khashoggi đã rời đi vào chiều 2/10 dù camera an ninh không cho thấy nhà báo đã đi ra. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/10 đã vào trong lãnh sự quán để điều tra.
Chỉ trích chính phủ
Khashoggi bắt đầu viết báo vào những năm 1980, chủ yếu về xung đột Afghanistan. Ông sau này trở thành tổng biên tập nhật báo Saudi Al-Watan nhưng phải từ chức vào năm 2003, sau khi bị giới chức coi là có quan điểm quá tiến bộ tại một vương quốc bảo thủ như Arab Saudi.
Jamal Khashoggi từng là cố vấn cho chính phủ, đặc biệt là cho Hoàng tử Turki al-Faisal, người đã điều hành cơ quan tình báo của Arab Saudi trong hơn 20 năm.
Khashoggi rời khỏi Arab Saudi vào tháng 9/2017 và sống tại Mỹ, vài tháng sau khi Mohammed bin Salman (thường gọi tắt là MBS) được chọn làm Thái tử, vào thời điểm hàng chục người bất đồng ý kiến với chính phủ bị bắt, bao gồm các nhà trí thức và nhà thuyết giáo Hồi giáo.
Ông đã kịch liệt phê bình các chính sách của Thái tử MBS trên cả báo chí Arab và phương Tây. Trên Washington Post, ông chỉ trích việc Arab Saudi cô lập Qatar, căng thẳng của Arab Saudi với Lebanon và Canada.
Trong một bài viết ngày 6/3 trên Guardian, Khashoggi viết: "Về chương trình cải cách trong nước thì Thái tử xứng đáng được ca ngợi. Nhưng Thái tử vẫn không khuyến khích hoặc cho phép bất kỳ cuộc tranh luận nào".
"Ông ấy dường như đang thay đổi đất nước từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo cũ sang chủ nghĩa "các người phải chấp nhận làm theo cách của tôi" mà không có bất kỳ sự tham vấn nào, kèm theo đó là những vụ bắt bớ và sự biến mất của những người chỉ trích.
Ảnh hưởng hình ảnh
Bessma Momani, giáo sư Đại học Waterloo của Canada, cho rằng danh tiếng của Thái tử MBS đang lung lay vì vụ nhà báo mất tích.
Kể từ khi được chọn làm người kế vị, MBS đã thu hút sự chú ý quốc tế với sự gia tăng nhanh chóng về quyền lực cũng như cải cách xã hội và kinh tế. Trong khi ông được ca ngợi về những thay đổi như dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe, ông cũng bị lên án vì các vụ bắt những người chỉ trích chính quyền.
"Nếu cái chết của Khashoggi được xác nhận và cáo buộc chống lại Arab Saudi được chứng minh thì hình ảnh 'nhà cải cách' của Thái tử sẽ bị ảnh hưởng trong mắt Washington và các thủ đô phương Tây khác", bà nói.
Vụ mất tích đang phủ bóng lên hội nghị đầu tư cao cấp dự kiến được tổ chức tại Riyadh ngày 23-25/10. Một số doanh nghiệp và nhà báo Mỹ đã rút khỏi sự kiện. Các lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây cũng bắt đầu xem xét lại mối quan hệ với Arab Saudi. Tỷ phú Anh Richard Branson tuyên bố dừng làm việc với dự án bất động sản lớn của nước này.
Sự biến mất của Khashoggi thử thách "khả năng của bất kỳ người phương Tây nào trong việc làm ăn với chính phủ Saudi", ông nói.
Vụ mất tích cũng có thể làm suy yếu quan hệ của Riyadh với Ankara. "Nó có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như khiến nhiều người ở Washington cho rằng Arab Saudi dưới thời MBS dễ có những hành động liều lĩnh mà không xuy xét đến hậu quả".
"Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi vốn có khác biệt về một loạt các vấn đề như Iran, Qatar, Anh em Hồi giáo. Có nhiều bất đồng hơn là đồng thuận", James Dorsey, chuyên gia tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nói. "Nếu chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có thể chứng minh rằng Khashoggi đã bị giết trong lãnh sự quán hoặc bởi các điệp viên Arab Saudi, điều đó sẽ có hậu quả sâu rộng".
Phản ứng của phương Tây
Sau vài ngày giữ im lặng, Trump, người từng tới Arab Saudi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào tháng 5/2017, tuần trước đã yêu cầu Riyadh trả lời về sự biến mất của Khashoggi. Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 14/10, Trump nói rằng Arab Saudi sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu liên quan đến vụ mất tích.
Tuy nhiên, Trump cũng nói rằng ông sẽ không mạo hiểm hàng tỷ USD trong giao dịch vũ khí của Mỹ với vương quốc này - đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông. Trump đã điện đàm với Vua Salman và Quốc vương nói rằng ông không biết gì về vụ nhà báo mất tích.
Riyadh cho biết họ phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt kinh tế hay áp lực chính trị nào. Các quan chức tuyên bố Arab Saudi sẽ "đáp trả bất kỳ hành động nào với biện pháp mạnh hơn", nhấn mạnh rằng họ "đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới" với tư cách là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Anh, Pháp và Đức ra một tuyên bố chung cho biết họ đang xem xét vụ biến mất của Khashoggi "với mức độ nghiêm trọng tối đa". "Cần phải có một cuộc điều tra đáng tin cậy để thiết lập sự thật về những gì đã xảy ra và xác định những người chịu trách nhiệm về sự biến mất của Jamal Khashoggi, đảm bảo họ phải chịu trách nhiệm", tuyên bố có đoạn viết.
Trump đã điều Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Arab Saudi để nói chuyện trực tiếp với giới lãnh đạo nước này.
"Vụ mất tích của Khashoggi đặt Tổng thống Trump và chính quyền của ông vào tình thế đi trên dây và mọi người sẽ chờ xem họ hành xử ra sao", James C. Oberwetter, cựu đại sứ Mỹ tại Arab Saudi, nhận định.
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)