"Quân đội Thái Lan không cung cấp thứ gì cho quân đội Myanmar và quân đội Myanmar cũng không hề liên hệ với chúng tôi để yêu cầu giúp đỡ hay hỗ trợ vì họ cũng có danh dự của mình", tướng Amnat Srimak, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Naresuan của Thái Lan, ra tuyên bố hôm 20/3.
Tướng Srimak cho biết thêm nếu có bất cứ hàng hóa nào được vận chuyển qua Myanmar, đó chỉ là hoạt động thương mại bình thường tại các cửa khẩu biên giới hai nước. "Chúng tôi sẽ không ngăn việc này nếu không vi phạm pháp luật và tuân thủ đúng thủ tục hải quan", ông Srimak nói.
Truyền thông Thái Lan trước đó dẫn lời một quan chức an ninh chính phủ, cho biết quân đội nước này đã cấp khoảng 700 bao gạo cho các đơn vị an ninh Myanmar ở biên giới phía đông.
Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan và quân đội Myanmar đều không bình luận về thông tin.
Sau cuộc đảo chính ngày 1/2 cùng các biện pháp mạnh tay trấn áp người biểu tình, khiến gần 250 người thiệt mạng, quân đội Myanmar đang hứng chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Thái Lan cũng bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn ở Myanmar.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án quân đội Myanmar tiếp tục hành động bạo lực với người biểu tình, cho rằng cộng đồng quốc tế cần có "phản ứng thống nhất, vững chắc" với cuộc khủng hoảng ở nước này.
Nhiều nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, yêu cầu chấm dứt bạo lực và trả tự do cho bà Suu Kyi. Mỹ cũng đã áp lệnh trừng phạt với một số tướng quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính.
Theo Ngọc Ánh (Vnexpress.net)