Vụ phóng tên lửa lần thứ hai trong vòng 5 ngày của Triều Tiên hôm 9/5 phát đi tín hiệu nước này đang rất nghiêm túc trong việc phát triển những vũ khí tầm ngắn mới có thể sớm sử dụng một cách hiệu quả trong bất kỳ cuộc chiến nào với Hàn Quốc và Mỹ, các chuyên gia phân tích nghiên cứu những hình ảnh của các vụ phóng mới nhất nhận định.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đích thân giám sát vụ phóng loại tên lửa chưa từng được thử nghiệm trước đó - một tên lửa nhanh tương đối nhỏ được giới chuyên gia đánh giá là dễ dàng hơn trong việc cất giấu, di chuyển và phóng.
Đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa
Tên lửa tầm ngắn được Triều Tiên phóng hôm 4/5 cho thấy khả năng“qua mặt” các hệ thống phòng thủ tên lửa được Mỹ trang bị cho Hàn Quốc, bao gồm Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có thể đánh chặn tên lửa bay ở độ cao từ 40 km trở lên, và Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để tiêu diệt tên lửa tầm thấp.
Theo Giáo sư Quốc phòng Kim Ki Ho của đại học Kyonggi (Hàn Quốc), tên lửa này của Triều Tiên bay quá thấp nên THAAD không thể đánh chặn và quá nhanh để Patriot có thể tiêu diệt.
Những hình ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố hôm 10/5 cho thấy vụ thử nghiệm hôm 9/5 của Bình Nhưỡng cũng liên quan tới một vũ khí tương tự.
Cả hai vụ phóng tên lửa đang làm gia tăng căng thẳng sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội hồi tháng 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Theo New York Times, vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới nhất của Triều Tiên khiến Tổng thống Donald Trump phải lần đầu tiên thừa nhận rằng “không ai vui vẻ” khi những nỗ lực ngoại giao của ông nhằm phi hạt nhân hóa nước này đột nhiên bị đe dọa.
Đêm 9/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nói rằng những vụ thử tên lửa này dường như thể hiện phản ứng của Triều Tiên với hội nghị thượng đỉnh thất bại, trong khi phía Bình Nhưỡng khẳng định đây là hành động phòng thủ thông thường.
Một số nhà phân tích cho rằng các vụ phóng tên lửa liên tiếp không chỉ là một màn trình diễn chính trị.
“Vụ thử nghiệm tên lửa thứ hai củng cố một điều rằng các động thái này không chỉ nhằm khuấy động tình hình và kích thích phản ứng của Mỹ để nối lại đàm phán”, Grace Liu, chuyên gia về tên lửa thuộc Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin (CNS) ở California, nói. “Họ đang phát triển một tên lửa đáng tin cậy có thể đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa và tiến hành một cuộc tấn công chính xác vào Hàn Quốc”.
Các nhà quan sát nhận định phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc đối với những vụ phóng tên lửa mới nhất có phần nhẹ nhàng. Tổng thống Trump và các quan chức Mỹ khác nhấn nhá rằng những tên lửa đó không lớn, không phải tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể vươn tới nước Mỹ. Phản ứng hòa dịu như vậy được cho là có thể “bật đèn xanh” có các hành động tương tự của Triều Tiên.
Giới phân tích cho rằng ứng dụng quân sự của những tên lửa mới nói trên không nên bị xem nhẹ.
“Chính quyền của ông Trump vẫn hạ thấp những tên lửa này bởi chúng không phải ICBM, thế nhưng dù không thể vươn tới lục địa Mỹ, chính những tên lửa như vậy sẽ có thể bắt đầu một cuộc chiến”, Melissa Hanham, chuyên gia vũ khí tại Datayo nói.
“Đó là những tên lửa nhỏ, dễ cất giấu, dễ vận hành và bạn không thể nắm rõ chúng đang mang đầu đạn nào. Chúng có thể mang vũ khí hạt nhân”.
Trong đánh giá sơ bộ hôm 9/5 của trang 38 North, tên lửa mới của Triều Tiên trông tương tự tên lửa SS-26 Iskander của Nga, có thể tận dụng những lỗ hổng trong tầm bao phủ của lá chắn tên lửa của Hàn Quốc và Mỹ.
Trong khi nguồn gốc của tên lửa Triều Tiên vẫn còn bí ẩn, một đội nhà phân tích của CNS nói với Reuters rằng vụ thử nghiệm hôm 9/5 đã xác nhận tên lửa này có khả năng cơ động có thể trốn tránh hệ thống phòng thủ và bảo vệ đội phóng tên lửa khỏi bị phát hiện.
Theo chuyên gia Jeffrey Lewis của CNS, sự cơ động của tên lửa này được tăng cường khả năng đánh bại hệ thống phòng thủ và máy bay săn bệ phóng. Ngoài ra, tên lửa này sử dụng nhiên liệu rắn, cho phép nó di chuyển dễ dàng hơn và bắn nhanh hơn so với sử dụng nhiên liệu lỏng.
Theo nhà phân tích Hanham, tên lửa mới đã đưa sự khó lường của Bình Nhưỡng lên một mức độ mới. “Nếu Triều Tiên kéo một ICBM ra, mọi người đều biết họ sẽ phóng một tên lửa hạt nhân. Còn những tên lửa mới này thì bạn không nắm bắt được, thế nên rất khó để chuẩn bị”.
Tên lửa tầm ngắn nhưng thông điệp dài
Lầu Năm Góc hôm 9/5 đã xác nhận Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ căn cứ Sino-ri ở Tây Bắc nước này. Các tên lửa đã bay hơn 300 km theo hướng Đông trước khi rơi xuống biển. Dù không gây nguy hiểm cho các nước lân cận, song các nhà phân tích cho rằng vụ phóng tên lửa tầm ngắn mang những thông điệp dài trực tiếp tới cả Hàn Quốc và Mỹ.
Một số chuyên gia nói rằng cả hai vụ phóng tên lửa trong vòng chưa đầy một tuần nhằm thúc đẩy Tổng thống Trump tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba với ông Kim Jong Un và chấp nhận yêu cầu của nhà lãnh đạo Triều Tiên về dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chính của Mỹ, đổi lấy việc Bình Nhưỡng đóng cửa cơ sở hạt nhân lớn nhất và lâu đời nhất của họ, Yongbyon.
Một chuyên gia về Triều Tiên ở Seoul có tên Lee Byong Chul, Đại học Kyungnam, cho biết: “Với vụ phóng tên lửa này, Triều Tiên đang tỏ rõ rằng họ đòi hỏi nhiều hơn câu chuyện viện trợ lương thực nhân đạo mà Hàn Quốc và Mỹ đang bàn thảo”.
Các nhà phân tích khác cho rằng động thái của Bình Nhưỡng nhằm trực diện vào Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Truyền thông Triều Tiên những ngày qua không ngừng chỉ trích Hàn Quốc và Mỹ vì tiếp tục các cuộc tập trận chung và phóng tên lửa cũng có thể là một cách phản ứng của Bình Nhưỡng.
Mặt khác, giới quan sát lưu ý rằng việc quyết định phóng tên lửa tầm ngắn cũng có thể mang dụng ý của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, rằng ông chưa từ bỏ hy vọng nối lại đàm phán với Mỹ.
Theo Thu Hằng (Tri Thức Trực Tuyến)