Vài tuần trước khi Triều Tiên bắn tên lửa và thử nghiệm vũ khí dẫn đường hôm 4/5, Tổng thống Donald Trump phản đối Bộ Tài chính và đảo ngược quan điểm của cơ quan này, vốn tuyên bố Mỹ đang thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên.
Theo thư ký báo chí của ông Trump, lý do cho động thái nói trên là "Tổng thống Trump thích Chủ tịch Kim, và ông cho rằng những lệnh trừng phạt này là không cần thiết", theo New York Times.
Giờ đây, sau gần một năm táo bạo thử nghiệm phong cách ngoại giao cá nhân, tổng thống Mỹ bắt đầu vượt qua giới hạn của chính mình. Ông phát hiện ra rằng tình bạn giữa các nhà lãnh đạo vốn thù địch về vấn đề hạt nhân có thể tạo ra phản ứng tốt, tuy nhiên đó không phải là chiến lược chống phổ biến hạt nhân.
Sau hai hội nghị thượng đỉnh với một số lợi ích kinh tế đạt được, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang quay trở lại với sách lược do cha và ông nội viết nên. Hôm 4/5, Triều Tiên tiến hành "diễn tập tấn công" với nhiều bệ phóng tên lửa tại bờ biển phía đông nước này, động thái được các nhà phân tích nhận định nhằm gia tăng áp lực buộc ông Trump phải quay trở lại bàn đàm phán.
Triều Tiên bi quan, Mỹ lạc quan
Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, chiến lược này có thể đe dọa sáng kiến ngoại giao và tuyên bố của ông Trump, rằng ông sẽ thành công trong việc nhiều người tiền nhiệm từng thất bại: mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Trên thực tế, hòa bình còn rất xa vời. Suốt một năm qua, Triều Tiên sản xuất nhiều vật liệu hạt nhân và vũ khí mới hơn, theo thông tin từ cơ quan tình báo Mỹ. Tổng thống Trump từng mô tả việc Triều Tiên đình chỉ tất cả các vụ thử hạt nhân và tên lửa là thành tựu lớn nhất của mình về vấn đề này, nhưng giờ đây, tình thế đang rơi vào bế tắc.
Hoặc đó chính là cách Triều Tiên gợi ý cho Mỹ. Theo các quan chức Hàn Quốc, cuộc thử nghiệm được tiến hành vào ngày 4/5 là tên lửa “tầm ngắn”, bay được 67 đến 200 km ngoài khơi Wonsan, phía đông nam Triều Tiên.
Khoảng cách này loại trừ khả năng Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc liên lục địa. Hôm 5/5, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin các loại vũ khí thử nghiệm là tên lửa và "vũ khí dẫn đường chiến thuật".
Bằng bài đăng đầy lạc quan trên Twitter hôm 4/5, dường như ông Trump muốn bác bỏ động thái khiêu khích và những thông tin về việc Triều Tiên mở rộng sản xuất vũ khí hạt nhân. "Tôi tin rằng Kim Jong Un hoàn toàn nhận ra tiềm năng kinh tế to lớn của Triều Tiên, và sẽ không hành động làm tổn hại hay chấm dứt tiềm năng đó. Ông ấy cũng biết rằng tôi ủng hộ ông ấy và không muốn thất hứa với tôi. Thỏa thuận sẽ được ký kết!", tổng thống Mỹ viết.
Tuy nhiên, vụ thử vũ khí vừa qua là lần thử nghiệm lớn nhất kể từ khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 vào tháng 11/2017. Dù nước này không đi xa tới mức thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, các nhà phân tích nhận định động thái này cho thấy ông Kim Jong Un đang chơi đùa với ý định tiếp tục các cuộc thử nghiệm vũ khí.
Ông Lee Byong Chul, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam, Seoul, cho rằng "động thái khiêu khích ngày hôm nay có nghĩa là Kim Jong Un đang ngày càng trở nên bi quan. Triều Tiên có thể sẽ điều chỉnh hành vi, tùy thuộc vào cách phản ứng của người Mỹ, nhưng về lâu dài, có vẻ rõ ràng là ông Kim đã quyết định đi con đường của riêng mình".
Bước đột phá mới?
Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vào tháng 2 vừa qua đột ngột kết thúc khi tổng thống Mỹ từ chối đề nghị rút lại lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên để đổi lại việc ông Kim dỡ bỏ một phần chương trình vũ khí hạt nhân. Ông Trump muốn nhanh chóng hủy bỏ toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tỏ ra không quá cần tới việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố cho người đồng cấp Mỹ thêm thời gian đến cuối năm nay để đưa ra đề xuất mới.
Bằng cách tăng dần phạm vi thử nghiệm vũ khí trong những tuần gần đây, ông Kim dường như đang cân nhắc cẩn thận các lựa chọn của mình với ông Trump. Bắn tên lửa tầm ngắn có thể nhằm tạo ra bước đột phá cho cuộc đàm phán vốn đang đình trệ mà không quá kích động ông Trump, các nhà phân tích nhận định.
Triều Tiên không cung cấp thông tin chi tiết về loại vũ khí dẫn đường chiến thuật được thử nghiệm hôm 4/5. Tuy nhiên, theo hình ảnh từ KCNA, các vũ khí này dường như là loại tên lửa tầm ngắn mới, lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng vào tháng 2/2018, cùng các bệ phóng nhiều tên lửa.
Ngoài vũ khí hạt nhân, một trong những vũ khí tấn công nguy hiểm nhất của Triều Tiên là bệ phóng nhiều tên lửa, được triển khai gần biên giới với Hàn Quốc, có phạm vi vươn tới thủ đô Seoul. Trong những năm gần đây, Triều Tiên cố gắng gia tăng tầm và phạm vi tấn công của các bệ phóng tên lửa để có thể nhắm vào những căn cứ quân sự của Mỹ ở phía nam Seoul, cũng như các tàu địch tiếp cận bờ biển nước này, theo các quan chức Hàn Quốc.
Bài học từ quá khứ và đòn bẩy chiến lược
Mỹ dường như đã quen với lịch sử các cuộc đàm phán cay đắng với Triều Tiên về chương trình hạt nhân. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Michael J. Morell, cựu phó giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng "lần này, giữa mô hình và thực tiễn không quá khác biệt". Đây là tuyên bố đáng chú ý trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump được cho đã chuyển hướng hoàn toàn so với bốn chính quyền trước về vấn đề Triều Tiên.
"Vấn đề giờ chỉ phụ thuộc vào việc Chủ tịch Kim có đưa ra quyết định chiến lược" từ bỏ vũ khí hay không, ông Pompeo nói và cho biết thêm ông Kim "đã gần chục lần nói với tôi rằng ông đã quyết định rồi". Nếu tiến trình này đổ vỡ, "chúng tôi chắc chắn sẽ phải thay đổi đường lối", ngoại trưởng Mỹ nói.
Nếu xảy ra, đây cũng phải lần đầu tiên hy vọng về hòa bình cho bán đảo Triều Tiên sụp đổ. Năm 1994, sau cuộc khủng hoảng hạt nhân gần như dẫn đến xung đột trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Bill Clinton đưa ra sáng kiến ký kết thỏa thuận và khiến hoạt động sản xuất hạt nhân của Triều Tiên bị đóng băng trong vài năm. Tuy nhiên, Triều Tiên không tuân thủ, mua thiết bị làm giàu uranium từ Pakistan và sản xuất bom.
Khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức và đối đầu với Triều Tiên, cuộc khủng hoảng nhanh chóng xảy đến khiến ông Kim Jong Il, cha của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006.
Kể từ đó, Triều Tiên tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm và lần cuối cùng là vào năm 2017 với vụ thử bom hydro. Dù không thể khẳng định đó có phải bom hydro hay không, vụ nổ có sức công phá mạnh nhất trong lịch sử thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên.
Vẫn chưa thể xác định khả năng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể vươn tới Mỹ, vì vậy Mỹ luôn coi trọng lệnh cấm thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un dường như hiểu điều này. Vụ thử tên lửa hôm 4/5 cho thấy rất có thể nước này sẽ nối lại các cuộc thử nghiệm tầm xa trong tương lai, hành động có khả năng đe dọa mối quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, đối với quốc gia luôn thu hút sự chú ý của Mỹ vì kho vũ khí hạt nhân, đó là sách lược duy nhất của ông Kim. Và nhà lãnh đạo Triều Tiên nhận ra rằng ông chỉ có một phương pháp đòn bẩy, đó là đe dọa thỏa thuận ông Trump khao khát.
Theo Hương Ly (Tri Thức Trực Tuyến)