Kim Jong-un trực tiếp giám sát vụ phóng hỏa tiễn mới nhất

05/05/2019 07:33:42

Lãnh đạo Triều Tiên yêu cầu quân đội tăng cường khả năng chiến đấu khi giám sát vụ phóng, động thái được cho là gây áp lực với Mỹ.

Kim Jong-un trực tiếp giám sát vụ phóng hỏa tiễn mới nhất
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát một vụ phóng tên lửa hồi tháng 7/2017. Ảnh: KCNA.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay thông báo nước này hôm 4/5 đã thực hiện một cuộc "diễn tập tấn công" mục tiêu trên Biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là Biển Đông), dưới sự giám sát trực tiếp của lãnh đạo Kim Jong-un.

Mục đích của cuộc diễn tập là để các đơn vị quân đội thử nghiệm "khả năng vận hành và độ chính xác" của các giàn hoả tiễn đa nòng tầm xa cỡ lớn và vũ khí dẫn đường chiến thuật. Thông tin này của KCNA xác nhận rằng vũ khí trong vụ thử mới nhất của Triều Tiên không phải là tên lửa đạn đạo tầm xa, vốn được coi là nguy cơ với Mỹ.

Lãnh đạo Kim Jong-un còn kiểm tra "năng lực tác chiến của các khí tài và thiết bị", đồng thời hối thúc các binh sĩ gần ghi nhớ "thực tế rằng hòa bình và an ninh thực sự chỉ được đảm bảo bằng sức mạnh". Ông nhấn mạnh cần thiết phải "tăng cường khả năng chiến đấu, nhằm bảo vệ chủ quyền và sự tự chủ kinh tế" của Triều Tiên trước các mối đe doạ và ý đồ xâm lược.

Thông tin được công bố một ngày sau khi quân đội Hàn Quốc sáng qua thông báo phát hiện Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm ngắn từ bãi thử tại thành phố Wonsan, phía đông nước này về phía Biển Nhật Bản. Các quả đạn đạt tầm bay 70-200 km. 

Qiới quan sát đánh giá vụ thử cho thấy Triều Tiên ngày càng mất kiên nhẫn với Mỹ trong đàm phán phi hạt hạt nhân, sau khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Trump cuối tháng 2 khộng mang lại thoả thuận nào.

Triều Tiên đã ngừng thử các vụ tên lửa đạn đạo và hạt nhân từ 2017, điều được Tổng thống Trump nhiều lần coi là một thành tựu quan trọng khi ông thay đổi cách tiếp cận với Kim Jong-un. Trump ngày 4/5 bày tỏ niềm tin rằng Kim Jong-un không thất hứa, cho rằng Mỹ - Triều sẽ đạt được thỏa thuận vì Kim Jong-un nhận ra tiềm năng kinh tế của Triều Tiên.

Các cuộc thảo luận của hai bên đang bị đình trệ sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội. Trong khi Triều Tiên yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm đổi lấy việc phá bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon, Washington lại muốn Bình Nhưỡng chấm dứt toàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược chương trình vũ khí này.

Theo Khánh Lynh (VnExpress.net)

Nổi bật