Tấn công tình dục, trầm cảm và tự tử có thể không phải là những gì khách du lịch đến Nhật Bản và ngay cả chính người dân Nhật Bản liên tưởng đến các geisha nổi tiếng thế giới. Trong văn hóa truyền thống của Nhật Bản, Geisha là những nghệ sĩ giải trí truyền thống trong bộ kimono sặc sỡ, được đào tạo bài bản với mái tóc và trang điểm cầu kỳ.
Nhưng những dòng tweet được đăng tải trên mạng xã hội của một cựu Maiko (hay còn gọi là Geisha tập sự) đã nhấn mạnh rằng có những mặt trái như tội phạm lạm dụng và phân biệt giới tính trong nền văn hóa bí mật và lâu đời hàng thế kỷ này.
Kiyoha Kiritaka, 23 tuổi, đã gây ra cuộc tranh luận khi các bài đăng của cô tiết lộ về thời gian cô làm maiko ở quận Pontocho truyền thống của Kyoto.
Các Maiko thường ở độ tuổi khoảng 15-20 sẽ phải học hát, nhảy và chơi các nhạc cụ truyền thống để phục vụ trong các cuộc vui hoặc tiệc chiêu đãi.
Nhưng những tiết lộ dũng cảm của Kiritaka, dựa trên kinh nghiệm của cô năm 16 tuổi, đã cho thấy có thể có một mặt tối thực sự đối với “những gì mọi người coi là nét văn hóa truyền thống” này.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đăng tải, Kiritaka cho biết cô ấy đã phải đối mặt với việc bị quấy rối tình dục, nơi các khách hàng sẽ “thò tay vào trong bộ kimono, chạm vào ngực hay dưới quần lót của tôi”. Nhưng khi cô kể lại sự việc với người quản lý các Geisha, được gọi là okasan , “cô ấy đã nổi giận với tôi và nói rằng đó là lỗi của tôi ”.
Trong các dòng tweet của mình, với khoảng 500.000 lượt chia sẻ hoặc 'thích', Kiritaka cũng cho biết cô đã "bị ép uống quá nhiều rượu" và bị ép tắm chung với khách hàng nhưng bản thân đã tìm cách bỏ trốn. Theo SCMP, độ tuổi hợp pháp để uống rượu ở Nhật Bản là 20.
Trên trang cá nhân Kiritaka cho biết cô hầu như không được Okasan bảo vệ tại okiya (quán trà) mà cô ấy đã làm việc trong tám tháng. Thậm chí cô còn bị đe dọa có thể "bị giết vì đã lên tiếng về điều này trên mạng xã hội nhưng nếu không ai lên tiếng, sẽ không có gì thay đổi".
Cựu Maiko cũng cáo buộc Okasan của mình thậm chí còn môi giới cô bán trinh tiết với giá 50 triệu yên (8,3 tỷ đồng), mặc dù có thể cô sẽ không nhận được 1 xu.
Những cáo buộc của Kiritaka thời gian đó đã gây ra một làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội, gây sốc cho nhiều người dân Nhật Bản, lan truyền trên các phương tiện truyền thông trong nước và vương quốc Anh, đặc biệt kể từ khi hoạt động mại dâm bị coi là bất hợp pháp theo Đạo luật Chống mại dâm năm 1956 của xứ Mặt trời mọc.
Chia sẻ với tờ This Week In Asia, Kiritaka cho biết cô đã bị trầm cảm và cảm thấy cuộc sống khó khăn trong một thời gian sau khi trở thành maiko, nhưng còn biết những câu chuyện bi thảm hơn mình. "Tôi không muốn nhìn những cô gái khác trong ngành này tiếp tục chịu đựng chứng trầm cảm và tìm đến cái chết".
Với hơn 69.000 người theo dõi trên Twitter, Kiritaka cho biết cô không thể hiểu được trong thời đại đa dạng như hiện nay, tại sao ngành công nghiệp này lại phát triển mạnh và các maiko vẫn được nhiều người, kể cả phụ nữ ngưỡng mộ.
“Những gì tôi trải qua là nạn buôn người và chủ nghĩa định kiến nam giới đối với phụ nữ. Tôi muốn hỏi mọi người rằng liệu họ có còn ngưỡng mộ maiko sau khi những trải nghiệm của tôi được tiết lộ hay không ,” cô nói.
"Không ai dám lên tiếng"
Những lời của Kiritaka đã khơi mào cho những tranh luận xung quanh các Geisha. Các học giả và các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện của cô, trong đó một nữ chính trị gia yêu cầu người dân Nhật Bản cần “lắng nghe” và “hành động để tạo ra sự thay đổi".
Nhưng sự im lặng dường như ngự trị ở Kyoto. Peter Macintosh người Canada, một nhà tổ chức sự kiện geisha đã làm việc trong lĩnh vực này 30 năm, cho biết: “Mọi người đều nghe nói về nó, nhưng không ai dám lên tiếng về nó cả”.
Một trong những nguyên tắc của nghề này là giữ sự riêng tư. "Bạn không nói về trải nghiệm của mình với khách hàng, dù tốt hay xấu. Một khi bạn phá vỡ quy tắc im lặng, bạn sẽ trở nên đơn độc", Macintosh giải thích.
Carmen Tamas, học giả tại Đại học Kobe, người đứng đầu chương trình ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, đã nói chuyện với một số đồng nghiệp của Kiritaka, những người ám chỉ rằng cô gái trẻ này là "kẻ gây rối đã làm hoen ố danh tiếng của họ".
Tamas cho biết các Geisha tự coi mình là những người bảo tồn văn hóa Nhật Bản và là “một cộng đồng thực sự đoàn kết”, vì vậy hành động bộc phát của Kiritaka là điều rất không được hoan nghênh.
Theo SCMP, Kiritaka đã bị cư dân mạng và người trong ngành cáo buộc là theo đuổi sự trả thù, cố tình gây chú ý hoặc đang kiếm tiền. Những lời buộc tội như vậy không phải là hiếm đối với những người sống sót sau vụ tấn công tình dục và dám đứng ra làm chứng công khai ở Nhật Bản, vốn được coi là điều cấm kỵ.
Nhưng Kiritaka cho biết cô có thể chịu đựng tất cả với mong muốn nâng cao nhận thức. "Tôi muốn mọi người thảo luận về chủ đề này và sự phản đối là một điều rất bình thường".
Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản, những câu chuyện công khai như của Kiritaka là rất hiếm ở một quốc gia vốn chỉ có 4% nạn nhân bị hiếp dâm dám đi trình báo. Ngoài sự hỗ trợ hạn chế dành cho những nạn nhân sau vụ tấn công tình dục, Geisha là “biểu tượng thiêng liêng của Nhật Bản” nên đã có những ý kiến trái chiều chống lại Kiritaka.
Nhưng vì hàng chục cựu Maiko đã liên lạc với mình trong nhiều năm để chia sẻ những trải nghiệm của họ, ngay cả trước khi có những dòng tweet, Kiritaka biết rằng cô ấy đang lên tiếng thay cho cả những người khác.
Kiritaka giải thích : “Geisha và maiko không tiếp xúc với công chúng, điều này khiến việc kêu gọi sự giúp đỡ trở nên khó khăn hoặc nhiều khi là không thể."
Các Maiko thường bắt đầu được đào tạo khi đủ 15 tuổi và hầu hết rời bỏ gia đình và bạn bè để sống trong một quán trà. Lịch trình của họ khiến họ ít có thời gian để nghỉ ngơi do phải luyện tập nghệ thuật truyền thống vào ban ngày và gặp gỡ khách hàng vào ban đêm. Họ cũng thường không ngủ trước 3 giờ sáng, theo SCMP.
Điện thoại di động cá nhân và máy tính bị cấm, vì vậy những người trẻ tuổi giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua điện thoại cố định hoặc thư tay. Hơn nữa, họ chỉ nhận được một số tiền nhỏ trong số tiền họ kiếm được, vì phần lớn số tiền đó được chuyển đến cho chủ quán trà.
Kiritaka không phải là người đầu tiên tố cáo việc lạm dụng trong ngành công nghiệp này. Trước đó Mineko Iwasaki, một geisha nổi tiếng cũng đã nói về nạn hiếp dâm trong cuốn tự truyện của mình mang tên "Geisha of Gion".
Tamas cho biết văn hóa Geisha là sự “pha trộn giữa đàn ông với rượu, tiền và phụ nữ". Loại công việc mà các Geisha làm hoàn toàn không bảo vệ phụ nữ khỏi quấy rối tình dục".
Tuy nhiên, Tamas và Macintosh cho biết nạn quấy rối tình dục là điều không bình thường. Tamas lưu ý rằng hầu hết các quán trà đều nghiêm ngặt về các biện pháp an toàn để bảo vệ các Geisha và đã có khóa đào tạo về cách từ chối khách hàng nếu không mong muốn. Vào năm 2014, có thông tin cho rằng một số quán trà cũng tổ chức các lớp học tự vệ.
Tamas nói: “Nói chung, mọi người không tìm đến các Geisha để có trải nghiệm tình dục, đặc biệt là khi ngành kinh doanh tiếp viên rất phát triển. Đa số họ chỉ muốn tận hưởng một trải nghiệm truyền thống của Nhật Bản.”
Nhưng theo chuyên gia, các cơ sở nghèo nàn, một nhóm thiểu số, có thể đẩy các maiko vào những tình huống nguy hiểm vì mục tiêu kiếm tiền. Tuy nhiên, nhìn chung, cộng đồng Geisha sẵn sàng phát triển và cải thiện, cho dù ngành công nghiệp này hiện không thu hút nhiều phụ nữ như trước đây. Theo thống kê, hiện có khoảng 600 Geisha ở Nhật Bản, so với 80.000 người vào những năm 1920.
Tamas nói: “ Các Okiya ngày nay thậm chí sẽ cố gắng bảo vệ nhiều hơn và cẩn thận hơn đối với sức khỏe của các Maiko. Họ muốn giữ cho truyền thống Nhật Bản này gắn liền với sự thuần khiết và sự vui vẻ, họ không muốn làm hoen ố hình ảnh này. Và nếu những gì Kiritaka nói là đúng, và diễn ra thường xuyên, thì họ không thể giữ hình ảnh này được.”
Macintosh cho biết ngày càng có các quy tắc nghiêm ngặt hơn, bao gồm cả việc yêu cầu các Maiko trẻ tuổi phải về nhà trước 22 giờ tối.Ngoài ra ngành công nghiệp này cũng đang cố gắng thu hút nhiều khách hàng nữ hơn, những người hiện chiếm khoảng 20% khách hàng du lịch của anh.
Theo Tamas, sức khỏe tinh thần và hạnh phúc cũng được chú trọng nhiều hơn, với nhiều cuộc trò chuyện về chủ đề này đã diễn ra. Các quán trà hiện nay đã giúp nhân viên phát triển các kỹ năng mới để giúp họ tái hòa nhập xã hội, chẳng hạn như học tiếng Anh và lái xe. Nhiều phụ nữ trẻ đã không còn làm Geisha sau khi kết hôn hoặc vì lịch trình quá bận rộn, trong khi một số khác trở thành các Okasan .
Trong khi đó, Kiritaka vẫn nhận được tin nhắn từ các cựu maiko, những người từng có trải nghiệm tương tự và muốn tiếp tục vận động để tiếng nói của họ được người dân Nhật Bản lắng nghe.
Giờ đây, bà mẹ một con đã có một sự nghiệp mới.
“Tôi muốn kể nhiều câu chuyện thông qua bài viết và video, đồng thời đảm bảo rằng những người khác cũng có thể nghe thấy tiếng nói dù nhỏ bé. Điều này để nâng cao nhận thức của người dân về các Maiko.”, Kiritaka cho biết.
QT (Nguoiduatin.vn)