*Lược dịch từ quan điểm của Jun Wu đăng tải trên Medium
Cách đây rất lâu, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi đã có được một cơ hội tuyệt vời để làm việc tại Nhật Bản cho một ngân hàng lớn ở châu Âu. Đó là công việc mà rất nhiều người bạn cùng lớp của tôi lúc ấy vô cùng thèm muốn. Họ đều đang muốn làm việc cho một ngân hàng đầu tư toàn cầu.
Tôi đã rất may mắn. Tôi có trải nghiệm độc đáo mà nhiều ứng viên còn thiếu: Tôi đã đi học tại Nhật trong một mùa hè. Tôi biết tiếng Nhật và đang tích cực học để trở nên thông thạo hơn. Tôi cũng rất thích tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản.
Sau khi đến Nhật, lần đầu tiên tôi cảm thấy mình thật cô đơn trong đời. Thế giới của tôi mở rộng ra và tôi chỉ có một mình. Tôi lớn lên trong một gia đình khá nề nếp và sự tự do mới này khiến tôi sợ hãi và choáng ngợp.
Lúc đầu, tôi cảm thấy gần như không thể chịu đựng được.
Rất may mắn là tôi đã tham gia một chương trình đào tạo với các sinh viên Nhật nói tiếng Anh trôi chảy. Họ đều là những sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học ưu tú của Nhật Bản. Chúng tôi được đào tạo cùng nhau và trở nên gần gũi. Sau khi giao tiếp với họ, tôi cảm thấy bớt cô đơn đi phần nào.
Ngay sau khi tôi đến Nhật Bản, tôi bắt đầu trải nghiệm một loại chuẩn mực giới tính mới. Văn hóa Nhật Bản thật hấp dẫn. Tôi muốn được thích nghi. Mặc dù tôi lớn lên trong một gia đình gia trưởng, bố tôi làm chủ gia đình nhưng mẹ tôi không hề yếu đuối hay nhu nhược. Bà hỏi ý kiến bố tôi về những quyết định quan trọng nhưng bà cũng nói lên chính kiến của mình.
Làm việc tại ngân hàng châu Âu và được bao quanh bởi các đồng nghiệp Nhật Bản là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Với khuôn mặt châu Á, tôi mong các đồng nghiệp nam Nhật Bản đối xử với tôi như bất kì một người phụ nữ Nhật Bản nào khác. Nhưng thay vào đó, họ đối xử với tôi như người nước ngoài.
Một người nước ngoài có vẻ được đối xử khá bình đẳng. Còn trong xã hội Nhật Bản, chỉ có một cách để phụ nữ Nhật Bản làm việc, đó là phục vụ.
Một vài năm sống tại Nhật Bản, tôi đã có đủ vốn từ để kiếm cho mình một người bạn trai bản địa. Sau khi chúng tôi hẹn hò, tôi bắt đầu có trải nghiệm thực sự về chuẩn mực giới trong xã hội Nhật Bản. Bạn bè của bạn trai tôi đều là những người làm công ăn lương điển hình ở Nhật Bản và lần đầu tôi phải học cách giao tiếp trong xã hội của họ.
Trong thời gian này, tôi đã học được những kĩ năng mới sau:
- Rót đồ uống cho tất cả bạn bè của bạn trai tôi trong các bữa tiệc tối.
- Tự trang điểm mặc dù tôi không cần phải làm thế.
- Học thêm được "kĩ năng" tán gẫu với bạn bè của bạn trai tôi.
- Luôn tỏ ra tán thành với các cuộc thảo luận diễn ra tại bàn ăn tối.
Tôi đã mắc phải Hội chứng Geisha trong khi hẹn hò với anh chàng người Nhật này. Trong một phân khúc nhất định của xã hội Nhật Bản, một phụ nữ Nhật Bản sẽ phải đảm nhận vai trò Geisha khi không có một Geisha thực sự ở đó. Cô ấy phải tỏ ra khéo léo trong các cuộc trò chuyện, làm hài lòng mọi người và sự hiện diện của cô phải vừa mắt những người xung quanh. Công việc của cô là giải trí và phục vụ đàn ông.
Không cần phải nói, tôi quá mệt mỏi với những việc như vậy. Tuy nhiên, lúc đó tôi chỉ mới 22 tuổi. Tôi không biết về giá trị của bản thân.
Bạn thấy đấy, đó là lý do tại sao tôi vượt qua cuộc phỏng vấn cho công việc tại ngân hàng châu Âu tại Nhật Bản. Không phải vì công ty này ấn tượng với danh sách dài các hoạt động ngoại khóa của tôi. Cũng không phải vì kỹ năng tổ chức hay tài năng lập trình của tôi.
Đó là bởi vì tôi đã được rèn giũa.
Tôi nhớ vòng phỏng vấn cuối cùng của tôi cho công ty này. Đó là sau hai ngày phỏng vấn căng thẳng tại trụ sở của công ty. Giám đốc điều hành Công nghệ cho văn phòng châu Á ghé qua để gặp những tân binh tương lai. Nhưng trong khi tôi đang làm bài kiểm tra cuối cùng, anh ta thậm chí không bận tâm và ngủ trong suốt thời gian đó.
Cuối cùng, anh ta tỉnh dậy và nói chuyện với Trưởng phòng Nhân sự, một người phụ nữ Nhật Bản. Sau đó, người phụ nữ này vui vẻ thông báo với tôi rằng tôi đã được chọn. Cô ấy nói rằng: "Bạn đã làm rất tốt. Bạn dễ chịu và hiền lành."
Nhiều năm sau, tôi nhận ra rằng nếu tôi là đàn ông hay phụ nữ Mỹ, tôi sẽ bị từ chối. Trong xã hội Nhật Bản, vai trò của giới tính khá rõ ràng: Người đàn ông sẽ làm việc bên ngoài như một nhà cung cấp, người phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình.
Trong xã hội đó, nơi duy nhất để phụ nữ Nhật Bản được quyết đoán là trong gia đình, nơi góc bếp của cô ấy. Ra ngoài thế giới, cô ấy sẽ trở thành một Geisha, phải phục vụ những người đàn ông và cô ấy phải luôn khéo léo, dễ chịu.
Khi còn là một cô gái trẻ, tôi đã luôn cố gắng để trở thành một người phụ nữ hoàn hảo. Tôi phải có một sự nghiệp hoàn hảo, một cơ thể hoàn hảo, những bữa tiệc tối hoàn hảo vào cuối tuần và phải có một cuộc sống gia đình hoàn hảo.
Trong hành trình tìm kiếm sự hoàn hảo đó, tôi đã bị trì hoãn vì sự nghiệp. Sự nghiệp đã thống trị việc tôi hẹn hò với ai, tôi sống ở đâu và tôi trò chuyện với ai.
Trong một thời gian dài, tôi trở thành một Geisha trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài.
Và khi mối quan hệ không công bằng, mọi thứ sẽ sụp đổ. Đây chính xác là những gì đã xảy ra với tôi. Cuối cùng, tôi không muốn ở trong vai trò phục tùng nữa. Tôi chỉ đơn giản là không muốn đeo mặt nạ nữa. Cuộc sống của tôi không còn là một chương trình được lên lịch sẵn nữa. Tôi muốn làm việc với những người mà tôi không phải cố gắng làm hài lòng họ. Tôi muốn có được tiếng nói.
Và đó là khi tôi rời khỏi thế giới đó. Đôi khi, tôi ước mình rời khỏi đó năm 22 tuổi. Tôi ước mình có thể nhìn vào bản thân năm 22 tuổi và nói với cô ấy: Bạn không phải là một Geisha, bạn có nhiều giá trị hơn thế.
Tất nhiên là tôi không thể làm điều đó. Tôi của năm đó phải đi trên con đường đó để tìm ra giá trị của chính mình.
Theo Z. (Pháp luật & Bạn đọc)