Mặc dù nghi thức mizuage (bán trinh tiết cho người đàn ông trả giá cao nhất) là có thật, song các geisha Nhật Bản không bị bắt buộc phải thực hiện. Thêm vào đó là kể từ năm 1956, Nhật Bản còn thông qua dự luật chống mại dâm, xóa sổ mizuage.
Lịch sử lâu đời, ban đầu chủ yếu là nam
Trong tiếng Nhật, geisha được viết là 藝[芸]者, có nghĩa "nghệ giả", tức "người làm nghệ thuật". Yêu cầu "làm nghệ thuật" của geisha rất rộng và cao, đòi hỏi mỗi nghệ giả phải nói giỏi, hát hay, múa đẹp, thậm chí kiêm luôn "cầm, kỳ, thi, họa" (đàn, cờ, thơ, vẽ).
Theo ghi nhận của lịch sử Nhật Bản, các geisha xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, dưới thời Mạc phủ (1192-1867). Văn hóa lối sống của người Nhật thời phong kiến thịnh các loại hình biểu diễn như ca múa, ngâm thơ, thư pháp… Mỗi khi tổ chức tiệc hay lễ lạt quan trọng, tầng lớp vua quan, quý tộc lại thuê các cá nhân hoặc đoàn nghệ nhân, biểu diễn mua vui.
Geisha là một trong các kiểu nghệ nhân biểu diễn của Nhật Bản. Nhờ khéo miệng, đa tài, họ được mời đến nhiều sự kiện. Ban đầu, tất cả các geisha đều là nam. Họ nổi tiếng đẹp trai, miệng lưỡi dẻo ngọt, tài hoa xuất chúng… siêu giỏi hầu rượu, làm hài lòng các quý cô, quý bà.
Mãi đến năm 1750, Nhật Bản mới có geisha là nữ giới. Người phụ nữ tiên phong làm geisha là Kikuya, sống ở Fukagawa. Bà vốn hành nghề kỹ nữ, nhưng có tài năng ca hát và chơi đàn tam (shamisen) cực kỳ điêu luyện. Với "anh hoa phát tiết ra ngoài" này, Kikuya tự tin tự xưng là geisha, nhanh chóng thu hút được sự cảm mến. Thành công của bà khiến nhiều cô gái ngưỡng mộ, học hỏi, mở ra thời đại geisha nữ.
Những nghệ nhân đàn tam điêu luyện và không bán thân
Như các tiền bối geisha nam, geisha nữ cũng luyện nghệ nói, hát, múa. Họ thông thạo hầu hết các loại hình giải trí, nghệ thuật tinh tế thời phong kiến, ví dụ như trà đạo, thi ca, cắm hoa… Nhưng khác với các tiền bối geisha nam, geisha nữ bắt buộc phải thuần thục đàn tam – nhạc cụ làm nên sự thành công của Kikuya. Dần dà, các geisha nữ duyên dáng, giỏi đàn tam soán ngôi geisha nam, trở thành biểu tượng của geisha.
Kể từ năm 1800, thế giới geisha chỉ toàn là phụ nữ. Nó cũng trở thành một nghề độc lập, có đào tạo. Mọi học viên geisha đều phải trải qua các lớp huấn luyện kỹ năng, tốt nghiệp hạng ưu thì mới được cấp giấy phép hành nghề.
Trước khi có geisha, xã hội phong kiến Nhật Bản đã có hoạt động mại dâm. Triều đình Mạc phủ cho phép cho một số kỹ viện mở cửa, gọi đó là các yūkaku. Trong yūkaku, các kỹ nữ được chia thành hạng cao cấp và bình thường. Họ cũng học tập và thông thạo nhiều trò giải trí, bao gồm cả những bộ môn nghệ thuật cao quý.
Sự khác biệt giữa geisha và các kỹ nữ là không và có bán thân. Geisha bị cấm mại dâm, nếu phát hiện nghệ giả vi phạm quy tắc thì tước giấy phép hành nghề.
Gìn giữ và lưu truyền ca vũ Nhật Bản
Từ thời geisha nam, hoạt động chính của các geisha đã là múa hát. Tại các bữa tiệc, họ chờ khách khứa vào bàn đầy đủ thì xuất hiện, biểu diễn các điệu múa cổ truyền của Nhật Bản như nagauta, tokiwazu, kiyomoto…
Nhạc cụ chủ đạo của geisha là đàn tam. Các geisha phụ trách gảy đàn thường chọn làn điệu có phần khêu gợi, nhưng vẫn mang khí chất thanh tao. Thường thì, các geisha lớn tuổi, giàu kinh nghiệm phụ trách phần nhạc cụ. Phần khiêu vũ và hát thì dành cho những geisha tập sự hoặc mới ra nghề thể hiện.
Tiểu thuyết Hồi ức của một geisha (tác phẩm của nhà văn Mỹ Arthur Sulzberger Golden, xuất bản năm 1997) được viết theo lối tiểu sử, kể về cuộc đời của nhân vật viễn tưởng Sayuri Nitta. Cô không may bị bán vào một kỹ viện, chịu đủ các thể loại oan ức, khổ sở, cuối cùng trở thành một geisha đắt đỏ. Vào năm 2005, cuốn sách này được chuyển thể thành phim, với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng nhất thế giới đương thời. Nó nhanh chóng phổ biến toàn cầu, gây ra ngộ nhận nghiêm trọng và kéo dài về geisha.
Không thể phủ nhận, thế giới geisha có nghệ giả hành nghề bán dâm. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ và những người này lén lút phá quy định. Ngay từ đầu, pháp luật phong kiến Nhật Bản đã cấm geisha bán thân. Họ phân định rõ 2 ngành nghề, geisha (bán nghệ) và kỹ nữ (bán nghệ + bán thân), không cho phép "lấn sân". Nghi thức mizuage (bán trinh tiết) là sự "giao thoa" duy nhất. Nó vừa không bắt buộc lại vừa sớm bị xóa bỏ.
Dọc theo lịch sử Nhật Bản, các geisha ưu tiên phát triển kỹ năng nghệ thuật, khuyến khích khách thưởng thức tài hoa biểu diễn. Suốt thế kỷ XX đầy biến động, bị văn hóa phương Tây ảnh hưởng, họ là những người bảo vệ và duy trì các làn điệu cũng như bản sắc văn hóa Nhật Bản truyền thống.
Hiện tại, Nhật Bản không còn nhiều geisha, nhưng đàn tam, nghệ thuật đối đáp, biểu diễn… vẫn sống sót. Chúng trở thành những giá trị văn hóa phi vật chất vô giá, được cả công chúng lẫn chính phủ đặc biệt quan tâm.
Theo Vũ Huế (Trí Thức Trẻ)