Tào Tháo tự là Mạnh Đức, còn gọi Tào A Man, người huyện Bạc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ông sinh năm Đông Hán Vĩnh Thọ nguyên niên (155), mất năm Kiến An thứ 25 (năm 220). Tác giả Tam quốc chí Trần Thọ gọi ông là “con người phi thường, kiệt nhân xuất thế”.
Tào Tháo là người đã có công lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng và Đổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lã Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương bắc, đồng thời thực hiện hàng loạt chính sách phục hồi sản xuất kinh tế và trật tự xã hội, đặt nền móng cho việc lập ra chính quyền Tào Ngụy.
Tuy nhiên, Tào Tháo lại thất bại khi tiến xuống phía nam vì gặp phải sự kháng cự của liên minh Tôn - Lưu, chấm dứt khả năng thống nhất đất nước khi ông còn sống.
Hình tượng Tào Tháo được mô tả khá tiêu cực, đặc biệt là trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, thế nhưng tài năng và sự mưu lược của con người này đã để lại cho hậu thế những bài học vô cùng giá trị.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, khi Tào Tháo làm thừa tướng. Vua nhà Hán chỉ có hư vị. Tào Tháo sai quân làm một sở hoa viên. Một lần Tào Tháo sau khi đi thăm vườn cảnh của phủ mới được xây. Tuy nhiên Tào Tháo chỉ tới xem không nói gì. Chỉ viết một chữ “hoạt” nơi cửa tam quan rồi ra về. Các quan đều ngơ ngác, không biết Tào Tháo có ý gì. Chỉ có quan chủ bạ là Dương Tu nói:
-Cửa là chữ “môn”, Thừa tướng viết chữ “hoạt” vào đó ý chê cửa rộng. Bởi vì chữ “môn” thêm chữ “hoạt” vào thì thành chữ “khoát” có nghĩa là rộng. Thợ nghe lời chữa cửa hẹp lại.
Lần sau Tào Tháo đến thăm thấy thế ngạc nhiên hỏi:
-Ai biết được ý ta như thế?
Thợ đáp:
-Quan chủ bạ.
Tào Tháo liền luôn miệng khen ngợi. Thực chất ngoài mặt hài lòng nhưng lại rất không vui vì bị Dương Tu đọc được suy nghĩ của mình.
Về sau trong một lần khi Dương Tu giải được ý tứ từ "Kê lặc" của Tào Tháo, việc truyền đến tai Tào Tháo khiến Tào Tháo tức giận nên lấy cớ là Dương Tu phao tin làm loạn lòng quân, đem ra chém đầu.
Theo Quốc Tiệp (Nguoiduatin.vn)