Khái niệm "nền kinh tế biển xanh" - một mô hình phát triển bền vững liên quan đến việc sử dụng hệ sinh thái biển và ven biển, nằm ở vị trí trung tâm trong tầm nhìn "Điểm tựa hàng hải toàn cầu" của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Đó là trên mặt giấy tờ; trên thực địa, câu chuyện đang được kể bằng những hình ảnh khác.
Khi đụng tới vấn đề lợi ích, các quốc gia đều "nhảy dựng" nhưng mọi thứ nên rõ ràng và trên tinh thần nhân đạo, thượng tôn luật pháp quốc tế
Một nhà quan sát quốc tế
Cản trở là xử?
Báo cáo năm 2014 của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc cho thấy Indonesia là nhà sản xuất thủy hải sản lớn thứ hai thế giới. Sản lượng của ngành nuôi trồng thủy sản đạt 4 triệu tấn trong năm 2014, chiếm 5,7% tổng sản lượng toàn cầu. Năm 2016, ngành này đóng góp khoảng 6,7% tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia, một lợi ích không nhỏ đến từ biển.
Sự quan tâm của Indonesia đối với khái niệm kinh tế biển xanh được thể hiện lần đầu tiên dưới thời cựu tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, trong Hội nghị Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững năm 2012.
Jakarta tỏ ra thích thú với ý tưởng có thể phát triển ngành hàng hải và thủy sản nội địa theo một cách có thể hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững, tức không phát thải khí carbon và tác động tới môi trường ở mức tối thiểu.
Dưới thời tổng thống Widodo, Chính sách Đại dương quốc gia năm 2017 đã đưa kinh tế biển xanh trở thành một trong những trọng tâm nghị sự của chính phủ, một động thái thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền.
Nhưng khi vấp phải những trở ngại thực tế và đụng đến vấn đề lợi ích quốc gia, Jakarta đã không ngại ngần mạnh tay dẹp bỏ. Các vấn đề an ninh phi truyền thống cản trở tiến trình như đánh bắt trái phép, đánh bắt không theo quy định và không thông báo (IUU fishing), cướp biển, cướp có vũ trang... đang bị Indonesia xử lý theo cách chưa từng có.
Xử lý không cần truy xuất GPS
Một ngày tháng 4-2017, hàng chục người đứng trên bờ quay lại cảnh một con tàu tràn ngập khói lửa và chìm dần trên biển, có tiếng hò reo xen lẫn.
Hôm đó, 81 con tàu khác, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, cũng chịu chung số phận. Đó là cách chính quyền của ông Widodo xử lý những tàu cá mà họ cho là đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia từ năm 2014.
Bà Susi Pudjiastuti, bộ trưởng hàng hải và nghề cá Indonesia, là một trong những người có lập trường cứng rắn với nạn đánh bắt IUU. Một trong những phương pháp ưa thích của bà là đánh chìm tất cả những tàu cá vi phạm bằng thuốc nổ. Hơn 300 tàu đã bị xử lý bằng cách này kể từ năm 2014.
Song song với việc trừng phạt vốn đang gây tranh cãi trong khu vực, thông qua Spire Global - một công ty tư nhân về dữ liệu vệ tinh của Mỹ, Indonesia đã theo dõi và truy vết các tàu đánh cá nước ngoài.
Dựa trên các thông tin được Spire Global cung cấp, hải quân và các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Indonesia tiến hành điều tra và bắt giữ các tàu đánh cá mà họ cho là đã xâm phạm vùng biển của Indonesia.
Điều này lý giải trong một số vụ việc phía Indonesia thậm chí không cần truy xuất định vị từ máy GPS trên tàu cá vi phạm. Spire Global cho phép các khách hàng có thể truy cập ngay trên nền tảng web. Nhưng tính chính xác của những thông tin như thế này đến từ các vệ tinh loại nhỏ của Spire Global chưa được xác nhận.
Các hành động cứng rắn và dứt khoát của chính quyền Jakarta nhận được sự ủng hộ từ trong nước nhưng bị chỉ trích là thái quá và khắc nghiệt trên cộng đồng quốc tế. Nói như một nhà quan sát quốc tế rằng khi đụng tới vấn đề lợi ích, các quốc gia đều "nhảy dựng" nhưng mọi thứ nên rõ ràng và trên tinh thần nhân đạo, thượng tôn luật pháp quốc tế.
Theo Duy Linh (Tuổi Trẻ)