Nếu họ tuyên án tôi có tội, tôi sẽ kháng án lên tòa án cấp cao hơn. Chúng tôi bị bắt oan, phải trả tự do cho chúng tôi, thả tàu chúng tôi về và đền bù thiệt hại cho chúng tôi và gia đình trong thời gian qua
Thuyền trưởng HỨA MINH TRUNG
Ngày hôm qua 28-11, Tòa án Ranai (tỉnh Natuna, Indonesia) lại quyết định dời phiên tòa xét xử thuyền trưởng Cao Văn Hoàng sang ngày 5-12 do luật sư bào chữa đề nghị.
Ông Trung và ông Hoàng là 2 trong số 5 thuyền trưởng Việt Nam kháng án kêu oan vì bị phía Indonesia bắt oan khi đang đánh bắt hải sản trong vùng biển Việt Nam hôm 13-4.
Bức xúc vì bị bắt oan
Bước ra khỏi phòng xử án chiều 28-11, ông Cao Văn Hoàng ngồi phịch xuống băng ghế ngoài hành lang. Mắt ông đỏ hoe.
Ông Hoàng đã phải chờ hơn 7 tháng để có ngày ra tòa phản đối việc phía Indonesia bắt giữ ông và các thuyền trưởng khi đang khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam. Bao bức xúc dồn nén bấy lâu khiến ông không còn chịu nổi.
"Tôi biết mình bị oan nên muốn kêu oan và bào chữa cho mình, nhưng luật sư yêu cầu dời phiên tòa lại để củng cố chứng cứ minh oan nên tôi nghe theo" - ông Hoàng giải thích.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay bên ngoài tòa án, luật sư Christopher - người Indonesia, bào chữa cho Hoàng - cho biết ông muốn chủ động dời ngày vì muốn củng cố thêm chứng cứ, phản đối cáo buộc của phía công tố viên.
Ông Christopher khẳng định ông có các chứng cứ quan trọng gửi cho tòa gồm lời khai của một số ngư dân, bản tường trình của các chủ tàu cá tại Việt Nam, một số bản đồ thu thập được... Những chứng cứ này đều cho thấy việc các ngư dân bị cơ quan chức năng Indonesia bắt giữ là sai.
Vị luật sư người Indonesia cũng cho biết đã xuất hiện "cò" xin chạy án cho năm thuyền trưởng người Việt Nam nên phía tòa án và công tố tỉnh Natuna đã cảnh báo.
Ông Christopher cho biết sáng 28-11, công tố trưởng Viện công tố Ranai thông báo cho ông rằng có một cảnh sát Indonesia từ đảo Tanjung Pinang (nơi có nhà tù giam giữ các thuyền trưởng bị kết án - NV) sang đảo Natuna gặp trực tiếp vị công tố trưởng tại văn phòng của ông này đặt vấn đề xin đóng tiền phạt cho năm thuyền trưởng người Việt Nam đang kháng cáo, kêu oan (trung bình mỗi người hơn 500 triệu đồng).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) - người đại diện theo ủy quyền của các chủ tàu cá đang bị phía Indonesia bắt giữ trái phép - khẳng định các chủ tàu không đồng ý cử đại diện sang Indonesia đóng phạt hay đàm phán.
"Chủ tàu vẫn đề nghị ông luật sư người Indonesia tiếp tục theo đuổi vụ kiện ở Tòa án Ranai" - luật sư Hà Hải cho biết.
Kiên quyết không về nếu không trả tàu
"Chúng tôi không thể về mà không có tàu" - năm thuyền trưởng khẳng định khi gặp chúng tôi ở trại tạm giam.
Thuyền trưởng Lưu Văn Lý cho biết sáng 28-11, một nhân viên ở Viện công tố Ranai qua người phiên dịch nói với nhóm ông rằng có khả năng năm thuyền trưởng kháng án kêu oan có thể được thả về Việt Nam trong thời gian tới mà không phải đóng tiền hay ngồi tù.
"Nếu đúng vậy, tụi tôi quyết không về tay không. Tụi tôi bị bắt oan!" - ông Lý khẳng định.
Thuyền trưởng Cao Văn Hoàng cho biết sau 12 năm lái tàu thuê, ông gom góp và vay mượn được 3,5 tỉ đồng, cùng góp với bạn đầu tư con tàu 7 tỉ đồng và giờ bị phía Indonesia bắt giữ. Oái oăm, đó là chuyến ra khơi đầu tiên và theo ông Hoàng, là đánh bắt trên vùng biển Việt Nam.
Ông nói như thề: "Tôi sẽ quyết định ở lại, dù không bị giam cũng không về. Chừng nào trả tàu thì tôi về".
Thuyền trưởng Hứa Minh Trung cho biết cả năm anh em cùng quyết định không về nước dù nhớ nhà, nhớ vợ con.
"Bị bắt ở đây, vợ con cực khổ tứ bề, tiền bạc đội nón ra đi nhưng con tàu là tất cả tương lai của gia đình chúng tôi, không thể bỏ tàu một khi mình đánh bắt trên biển của mình, được Chính phủ bảo vệ.
Chúng tôi chỉ có thể về khi đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia có cam kết, bảo lãnh sẽ đưa tàu về nước an toàn, nguyên trạng. Không có tàu, ngư dân chúng tôi coi như mất nồi cơm và mất tương lai của gia đình".
Sáng nay 29-11, Tòa án Ranai dự kiến tuyên án với thuyền trưởng Hứa Minh Trung.
"Nếu họ tuyên án tôi có tội, tôi sẽ kháng án lên tòa án cấp cao hơn. Chúng tôi bị bắt oan, phải trả tự do cho chúng tôi, thả tàu chúng tôi về và đền bù thiệt hại cho chúng tôi và gia đình trong thời gian qua" - thuyền trưởng Trung nhắc đi nhắc lại.
Theo Lê Nam (Tuổi Trẻ)