Ngày càng tinh vi, khó truy vết
Tại bất kỳ thời điểm nào tại các thị trấn biên giới giữa Myanmar, Campuchia và Lào, cá cược đều có thể được đặt trực tiếp, trực tuyến hoặc qua điện thoại. Dù thắng hay thua thì khả năng cao là có ai đó đang rửa “tiền bẩn”. Trong báo cáo có tiêu đề “Sòng bạc, rửa tiền, ngân hàng ngầm và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Đông và Đông Nam Á: Mối đe dọa tiềm ẩn và gia tăng”, các chuyên gia an ninh Liên hợp quốc cho biết, bất chấp các cuộc trấn áp lớn, các mạng lưới rửa tiền vẫn hoạt động khắp Đông Nam Á và hiện khó truy vết hơn nhiều.
Trong nền kinh tế ngầm đang phát triển mạnh ở châu Á có hàng tỷ USD cần được làm sạch từ các băng đảng ma túy ở sông Mê Kông, mạng lưới buôn người cho đến các vụ lừa đảo qua mạng đang thống trị thế giới. Ông Benedikt Hofmann, Phó Giám đốc khu vực của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) cho biết: “Tội phạm có tổ chức đã tạo ra một hệ thống ngân hàng song song bằng cách tận dụng các công nghệ mới và sự phát triển của các sòng bạc trực tuyến cùng với tiền điện tử. Và các chính phủ đã phải vật lộn để theo kịp”.
Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, chính phủ Trung Quốc ước tính rằng hoạt động rửa tiền chỉ thông qua cờ bạc trực tuyến đã lên tới 157 tỷ USD vào năm 2020. Khi Bắc Kinh truy quét những kẻ điều hành sòng bạc lớn, không ít đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài, sử dụng quốc tịch mới và hộ chiếu giả, để xây dựng mạng lưới sòng bạc ở các nước Đông Nam Á. Vì thế, nhiều sòng bạc ở khu vực sông Mê Kông là bánh răng quan trọng trong các cỗ máy rửa tiền cho các băng đảng “xã hội đen” ở Trung Quốc. Những mạng lưới này bao gồm mạng lưới cờ bạc của Wan Kuok Koi ở Campuchia và Myanmar, tổ hợp sòng bạc Kings Romans của Zhao Wei ở Lào và khu phức hợp của She Zhijiang tại khu kinh tế Shwe Koko ở bang Shan của Myanmar…
Tiền của tội phạm được “rửa” như thế nào?
Các sòng bạc và sàn giao dịch tiền này xử lý tất cả các khía cạnh của hoạt động rửa tiền gồm “đưa” tiền đen vào một hoạt động kinh doanh hợp pháp, “xếp lớp” nó bằng cách tách và phân phối lại tiền từ nguồn ban đầu, sau đó tích hợp nó vào hoạt động cờ bạc nói chung. Đặc biệt, những sòng bạc có dịch vụ VIP với phòng riêng, thậm chí cả các chuyến bay và phòng khách sạn miễn phí, rất dễ bị các nhóm tội phạm có tổ chức “xâm nhập”. Cùng với đó, cờ bạc trực tuyến cho phép các doanh nghiệp tự do chuyển tài sản từ Đông Nam Á sang Đông Âu hoặc Dubai và ngược lại, tùy thuộc vào chi phí hoạt động. Báo cáo của UNODC dự đoán, cờ bạc trực tuyến dự kiến sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 205 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2030, với khoảng 37% diễn ra ở Đông Nam Á cho đến năm 2026.
Báo cáo cho biết, đối với các “ngân hàng” không chính thức này, tiền điện tử là phương thức thanh toán ưu tiên. Liên hợp quốc đã công bố một bảng chú giải các thuật ngữ được sử dụng để che giấu cuộc thảo luận về hoạt động rửa tiền dựa trên tiền điện tử trong các cuộc trò chuyện liên quan đến sòng bạc trực tuyến trên Telegram và các nền tảng trực tuyến khác. Ví dụ: “điểm chạy” đề cập đến quy trình, trong khi “đoàn xe” đề cập đến những con la có tài khoản có thể được sử dụng để giúp biến mất tiền trong quy trình rửa tiền.
Ở Campuchia, một quốc gia đang phát triển với GDP chính thức khoảng 32 tỷ USD, dấu hiệu của sự giàu có cực độ cho thấy tiềm năng của các hình thức kinh doanh ngầm. Những chiếc Ferrari, Lamborghini đầy màu sắc và thậm chí cả chiếc Rolls-Royce Cullinan bọc thép trị giá 2 triệu USD không phải là hiếm gặp trên những con đường đầy ổ gà ở Phnom Penh. Những người lái xe tuk-tuk kiếm được một khoản thù lao nhỏ khi xe của họ dán quảng cáo các nền tảng cờ bạc trực tuyến như AZ888, FUN88 và BK8… Ông Jake Sims, cố vấn kỹ thuật cấp cao của Tổ chức phi chính phủ Phái đoàn Tư pháp Quốc tế cho rằng, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia kiểu này là một dạng “đại dịch”, có sự kết hợp của các mạng lưới tội phạm từ ma túy đến lừa đảo trên mạng thông qua các sòng bạc ở nhiều quốc gia.
Nguồn: SCMP
Theo Yến Chi (An Ninh Thủ Đô)