Lần đầu tiên trong hơn bốn thập kỷ, Quốc hội Mỹ xem xét thẩm quyền của tổng thống trong việc tiến hành chiến tranh hạt nhân. Các thủ tục hiện hành đòi hỏi tổng thống trước tiên phải tham khải ý kiến của các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự, nhưng tổng thống là người ra quyết định tối hậu.
Thượng nghị sĩ Bob Corker, nổi tiếng là thành viên của Đảng Cộng hoà hay chỉ trích ông Trump, chủ tọa buổi điều trần. Ông Corker cho biết một số nhà lập pháp đã đặt ra những câu hỏi về tiến trình triển khai kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Ông Corker cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times rằng lời tuyên bố của Tổng thống Trump về Triều Tiên có thể làm tăng thêm căng thẳng, và có nguy cơ dẫn tới Thế chiến thứ III, khiến một số chuyên gia về vũ khí hạt nhân ủng hộ phiên điều trần.
Phát biểu trước phiên tranh luận tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Chris Murphy bày tỏ quan ngại về việc Tổng thống Trump có thể ra lệnh tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân "không phù hợp với các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ".
Các thượng nghị sĩ và các chuyên gia nhất trí rằng trong trường hợp có một cuộc tấn công hạt nhân đang diễn ra hoặc sắp xảy ra, tổng thống Mỹ có toàn quyền bảo vệ quốc gia theo đúng Hiến pháp. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi là khái niệm "mối đe dọa sắp xảy ra", tức là khi tổng thống tin rằng một quốc gia đang gây ra một hiểm họa có thật và ngay lập tức đối với Mỹ đủ để ra lệnh tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân ngăn chặn. Ba chuyên gia tham gia phiên tranh luận đều cho rằng hiện không có khái niệm rõ ràng nào để xác định một "mối đe dọa sắp xảy ra".
Trong khi đó, một số chuyên gia lại cẩn trọng đối với phương án thay đổi luật để quyền kích hoạt tấn công hạt nhân không còn chỉ nằm trong tay tổng thống mà sẽ mở rộng hơn và phụ thuộc cả vào giới chức ở cấp bậc thấp hơn. Ông Brian McKeon, cựu thứ trưởng quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng điều này sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Cuộc thảo luận tại Thượng viện Mỹ diễn ra trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa tìm được lối thoát. Tháng 9 vừa qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6, có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay và liên tục bắn thử các loại tên lửa mới phát triển được cho là có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẵn sàng sử dụng toàn bộ sức mạnh quân sự để ngăn chặn một cuộc tấn công của Triều Tiên.
Trong các trường hợp khẩn cấp, Tổng thống Mỹ có quyền kích hoạt cuộc tấn công hạt nhân thông qua chiếc cặp hạt nhân- vật bất ly thân luôn được mang theo sát mỗi bước đi của Tổng thống.
Ngay từ khoảnh khắc nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump có quyền tiếp cận mã số hạt nhân và chính thức sở hữu quyền năng duy nhất tại nước Mỹ là phát động một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Chiếc “Vali hạt nhân” bí ẩn này luôn ở bên người ông Trump khi ông ở Nhà Trắng, đồng thời nó sẽ luôn được một trợ lý quân sự xách theo trong những chuyến đi của Tổng thống Mỹ.
Vali hạt nhân thực chất là một chiếc tráp bằng da màu đen, bên trong là một vali bằng titan siêu bền nặng 18kg, kích thước 45x35x25cm với khóa bằng mật mã. Chiếc vali này không được phép rời xa viên sĩ quan trợ lý đặc biệt của tổng thống.
Một trong 5 trợ lý sẽ gắn chặt với chiếc vali bằng một chiếc vòng đặc biệt gắn vào cổ tay và quan trọng người này phải luôn ở bên cạnh tổng thống. Có tất cả 5 viên trợ lý như vậy trực thay ca 24/24.
Bên trong chiếc vali là một máy phát sóng vệ tinh và một số tài liệu, dựa trên cơ sở đó Tổng thống cần phải đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong số này có một "cuốn sách đen" dày 30 trang ghi những phương án sơ lược của kế hoạch đòn đánh hạt nhân.
Chiếc thẻ cứng kỹ thuật số, kích thước 7,3x12cm, có biệt danh là "biscuit" (tức “Bánh quy”), chứa các mã số nhận dạng của vị Tổng thống Mỹ, tức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang - người được phép ra lệnh phát động một cuộc tấn công hạt nhân.
Trong vali còn có danh sách các hầm ngầm bí mật mà tổng thống Mỹ có thể sử dụng trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công hạt nhân, kèm theo đó là chỉ dẫn liên lạc với Lầu Năm Góc và đề xuất về các bước hành động tiếp theo. Ngoài ra, trong vali còn có các thủ tục để kích hoạt hệ thống thông tin khẩn cấp EAS, nhờ đó tổng thống có thể phát biểu trước toàn dân chỉ trong vòng 10 phút, sau khi tuyên bố về tình huống khẩn cấp, không phụ thuộc vào việc ông đang ở đâu.
Theo Duy Anh (Dân Việt)