'Rùng rợn' virus từ dơi gây chết người khiếp hơn Covid-19, tiềm năng thành đại dịch: Không vaccine, không thuốc chữa

11/09/2021 21:52:33

Các quan chức Ấn Độ đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của một loại virus chết người, có khả năng lây lan thành đại dịch có tên Nipah.

Loại virus này lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1999 tuy nhiên chưa gây ra đại dịch vào thời điểm đó.

Cậu bé 12 tuổi ở Ấn Độ nhiễm virus

Vào tuần trước, một cậu bé 12 tuổi ở Kerala, một bang ở miền Nam của Ấn Độ đã chết một cách thương tâm sau khi nhiễm virus Nipah sau khi nằm viện khoảng 1 tuần. Ban đầu, cậu bé được nhập viện vì sốt cao nhưng tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi cậu bé bắt đầu có dấu hiệu viêm não.

Khi xét nghiệm các mẫu máu được gửi đến Viện virus học Quốc gia, kết quả cho thấy sự xuất hiện của virus nipah, ngay lập tức các quan chức cho biết rằng họ phải nhanh chóng hành động để ngăn chặn việc để virus lây lan thêm. Các nỗ lực theo dõi dấu vết đang được tiến hành để cách ly những ca nhiễm. Cậu bé đã tiếp xúc tổng cộng 188 người, 20 người trong số đó là những người có nguy cơ cao.

Washington Post sau đó đưa tin, có ít nhất 2 nhân viên y tế đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Nipah.

Virus Nipah là một thành viên của họ Paramyxoviridae thuộc giống Henipavirus, đã được biết đến là một loại virus nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong của người nhiễm virus này là 40-70%, ghi nhận trong các đợt bùng phát trước đó, diễn ra trong hơn 2 thập kỉ qua. Virus Nipah nằm trong danh sách thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các bệnh truyền nhiễm gây ra mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất cho thế giới.

Tỷ lệ tử vong của người mắc virus này cao hơn rất nhiều so với Covid-19. Tỷ lệ tử vong của người nhiễm Covid-19 là 0.1-19% tùy quốc gia, WaPo cho hay. Tuy nhiên, khả năng lây truyền của Nipah thấp hơn nhiều so với Covid-19.

Virus Nipah có "tiềm năng thành đại dịch"

Đây là một loại bệnh truyền nhiễm từ động vật, có nghĩa là nó có thể lây lan giữa các động vật khác và con người. Những loài động vật được ghi nhận mang virus là dơi và lợn. Và một khi virus được lây sang người, chúng sẽ lây truyền được từ người này qua người khác, gây ra các đợt bùng phát nghiêm trọng ở người.

Virus Nipah có thể không lây truyền như Covid-19, nhưng ghi nhận các đợt bùng phát trước đây cho thấy tốc độ virus lây lan giữa người với người vẫn là tương đối nhanh. Đồng thời, hiện chưa có vaccine chống lại virus Nipah cũng như chưa có thuốc đặc trị có những bệnh nhân nhiễm virus. Mọi người chỉ có thể thực hiện giãn cách, sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay và khử trùng bề mặt, tờ Forbes cho biết.

Các chuyên gia y tế công cộng đã biết về virus Nipah từ năm 1999 khi một đợt bùng phát ở Malaysia và Singapore đã lây nhiễm cho 300 người và khiến hơn 100 người ở 2 quốc gia này thiệt mạng. Hơn một triệu con lợn đã bị tiêu hủy trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.

Năm 2018, Ấn Độ đã phải vật lộn với một đợt bùng phát bênh do virus Nipah gây ra khiến 17/19 người nhiễm virus thiệt mạng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ở một số quốc gia châu Á, các ca nhiễm mới của virus Nipah được ghi nhận gần như hàng năm, WaPo đưa tin.

'Rùng rợn' virus từ dơi gây chết người khiếp hơn Covid-19, tiềm năng thành đại dịch: Không vaccine, không thuốc chữa
Vào năm 2019, một sinh viên 23 tuổi ở Ấn Độ nhiễm virus Nipah. Ảnh: Getty

Trong khi virus có thể lây nhiễm sang các loài động vật khác nhau nhưng vật thể chính chứa virus được coi là ở dơi ăn quả (chi Pteropus). Virus Nipah rất giống về mặt di truyền với virus Hendra - một loại virus henipavirus khác có ở loài dơi.

Triệu chứng của người nhiễm virus

Các triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng từ 4-14 ngày sau khi nhiễm virus. Triệu chứng ban đầu phổ biến nhất là sốt và đau đầu, có thể đi kèm với các vấn đề về hô hấp, chẳng hạn như ho, đau họng và khó thở, theo cảnh báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Giai đoạn này có thể kéo dài từ 3-14 ngày. Trong quá trình đó, không có nhiều người phát hiện được ra rằng mình đang nhiễm một loại virus chết người.

Ghi nhận một tỷ lệ đáng kể các trường hợp nhiễm virus sau đó tiến triển thành viêm não. Các triệu chứng có thể kể tới là buồn ngủ, mất phương hướng, lũ lẫn, co giật. Bệnh nhân cũng có thể hôn mê trong vòng từ 24-48 tiếng. Nhiều người tử vong trong giai đoạn này.

Các báo cáo cũng cho hay, sau khi đã thành công đối phó với virus, trong máu bệnh nhanh có thể có các kháng thể. Tuy nhiên vẫn chưa hoàn toàn rõ rằng những loại kháng thể như vậy có thể cung cấp khả năng bảo vệ cơ thể chống lại sự lây nhiễm của virus này trong tương lai hay không.

Các nguồn tin cũng cho rằng, tình hình ở Ấn Độ không đồng nghĩa với việc mọi người phải hoảng sợ. Và một đợt bùng phát không có nghĩa là virus sẽ lây lan nhanh và trở thành đại dịch. Tuy nhiên, trường hợp xảy ra ở Ấn Độ cho thấy, các virus gây bệnh khác không hề "nghỉ ngơi" khi Sars Cov-2 đang càn quét thế giới.

Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

Nổi bật